02/02/2020 - 10:27

Tạo dư địa tăng trưởng trong năm mới

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 1-2020, cả nước có 8.276 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tổng vốn đăng ký 267.178 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho thêm 84.458 lao động. Số DN quay trở lại hoạt động là 8.470 DN; số DN hoàn tất thủ tục giải thể 1.621 DN. So với tháng 1-2019, số DN thành lập mới tháng đầu năm nay giảm (tháng 1-2019, có 10.079 DN thành lập mới), nhưng về số vốn đăng ký thì tăng 116.061 tỉ đồng (cùng kỳ, số vốn đăng ký là 151.117 tỉ đồng). Về số DN hoàn tất thủ tục giải thể, so với cùng kỳ năm 2019 giảm (tháng 1-2019 là 1.802 DN) và số DN quay trở lại hoạt động cũng tăng hơn (tháng 1-2019 có 8.465 DN quay trở lại hoạt động)... So về quy mô DN thành lập mới trong tháng đầu năm nay là tín hiệu khá tích cực, quy mô vốn/DN đã tăng mạnh, với vốn thành lập trên 32,28 tỉ đồng/DN. Trong khi đó, tỷ trọng vốn bình quân trên một DN cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 15 tỉ đồng.

Để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương phải quyết liệt và chủ động thực hiện các giải pháp, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kiến tạo cho sự phát triển bền vững. Song song với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội phải cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam muốn bứt phá và đuổi kịp các quốc gia đi trước trong khu vực ASEAN cần “cởi trói” hơn nữa cho DN. Bởi chính sách phát triển DN và thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thu hút DN khối ngoại, nhất là trong bối cảnh kinh tế quốc tế đang vào cuộc đua quyết liệt. Trên thực tế, quy mô DN của Việt Nam vẫn còn nhỏ bé; xuất nhập khẩu phụ thuộc rất lớn vào khối DN ngoại và thị trường xuất khẩu các mặt hàng mà DN Việt có thế mạnh còn bó hẹp. Đơn cử như việc nông sản xuất khẩu của DN Việt phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, khi thị trường này biến động, DN Việt thiệt hại lớn và tác động dây chuyền đến nông sản-những người sản xuất trực tiếp sản phẩm.

Do vậy, phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh cho DN luôn là thách thức lớn. “Cởi trói” cho DN là yếu tố then chốt để quyết định sự tăng trưởng kinh tế-xã hội, bởi đây là lực lượng đóng góp chủ yếu cho GDP quốc gia, tạo việc làm và đóng góp cho an sinh xã hội. Nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh và thủ tục hậu kiểm DN; thủ tục về thuế, cấp C/O, hải quan. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận tín dụng ngân hàng, đây là mạch máu nuôi sống và phát triển DN. Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2019, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 13% so với cuối năm 2018; năm 2020 dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Đây được nhận định là mức tăng phù hợp với mức tăng trưởng nền kinh tế và sức hấp thụ vốn của DN. Dư địa tăng trưởng năm mới khá rộng, vấn đề còn lại là quyết tâm cải cách.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết