* Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời về tình trạng “chặt chém” khách du lịch
(TTXVN)- Sáng 13-6, tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã làm rõ các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy tiêu thụ, hiện đại hóa nông nghiệp; xây dựng thương hiệu quốc gia; xây dựng chương trình nông thôn mới
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa chủ lực, góp phần tăng giá trị để người dân có thể làm giàu từ nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản là mục tiêu quan trọng của quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Các giải pháp đặt ra là tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tập trung vào các mặt hàng là thế mạnh; tiếp sức cho nông dân bằng việc tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ; khuyến khích phát triển bảo quản chế biến bằng công nghệ hiện đại; tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi kết nối người sản xuất với thị trường. Liên quan đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực chỉ đạo các Viện nghiên cứu chọn, đưa ra những giống đảm bảo chất lượng cao, ổn định, phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tổ chức nông dân sản xuất hàng loạt để doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, ổn định.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải là biện pháp căn cơ, giải quyết mọi vấn đề của ngành lúa gạo, Bộ trưởng cho rằng đã đến lúc cần có sự chuyển biến căn bản. Mặc dù có chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa nhưng cơ cấu cây trồng trên diện tích đó phải được điều chỉnh phù hợp, không nhất thiết phải trồng lúa mà có thể trồng cây khác có thị trường, đem lại thu nhập cao hơn. Những diện tích trồng lúa cần được quy hoạch, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất với những giống chất lượng cao hơn, quy trình tiến bộ, đảm bảo năng suất cao, giá thành thấp hơn. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phát triển về công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến, tăng cường năng lực thị trường để có thể bán sản phẩm vào thị trường thế giới với giá cao và ổn định hơn. Chỉ khi đó, người nông dân mới được hưởng lợi ích cao hơn từ nông nghiệp - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về các chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tín dụng cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn đã liên tục tăng với tốc độ cao hơn mức tăng bình quân của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng cũng chỉ đạo có những gói tín dụng ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, cá tra, tôm và các sản phẩm chăn nuôi. Riêng về hỗ trợ phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra từ mô hình cánh đồng này để giải quyết điểm mấu chốt khó khăn.
Tham gia giải trình thêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hệ thống ngân hàng đã ưu tiên nguồn vốn để nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển ổn định, vững chắc. Từ năm 2008 đến nay, hàng năm, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng trung bình khoảng 20%/năm. Riêng 5 năm vừa qua, đặc biệt là từ năm 2010, tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh chóng, gấp 2 lần. Đến ngày 31-12-2012, dư nợ tín dụng lĩnh vực này là 561.533 tỉ đồng.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời cụ thể, thấu đáo, làm rõ thêm tình hình và nếu làm tốt các giải pháp đã đề ra, sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn trong thời gian tới. Từ nay đến 2015, phải tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trên mặt trận này, thiết thực nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo. Từ 2016-2020, xây dựng ngành Nông nghiệp hiện đại trong điều kiện của một đất nước đã cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là đòi hỏi của đồng bào cử tri cả nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Tới đây, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm tốt công tác quy hoạch; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn, nắm bắt khoa học, kinh nghiệm quốc tế; công nghiệp hóa phương thức sản xuất, đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Đồng thời, ngành quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan từ cây, con giống, sản xuất, dự trữ, lưu thông một cách tích cực, chủ động hơn; có quy trình quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông, phân phối một cách chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tránh thiệt hại cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phát huy những sản phẩm ưu thế, xây dựng thương hiệu; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng đó, sớm sơ kết, đánh giá để đẩy nhanh, mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung chăm lo, vận động phong trào, tập trung vào các tiêu chí quan trọng nhất để nông thôn, nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh, đảm bảo đời sống của nông dân.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 13-6, người thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tập trung làm rõ 3 vấn đề: Các giải pháp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao phẩm chất đạo đức xã hội; biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch Việt Nam; đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể của toàn dân góp phần nâng cao thể chất, sức khỏe, trí tuệ của người Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) về những giải pháp “chặt chém” khách du lịch, chất lượng sản phẩm du lịch kém hấp dẫn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về phát triển du lịch Việt Nam và đã có Quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao vai trò du lịch trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, là việc thu ngoại tệ cho đất nước, góp phần tăng trưởng GDP, tạo động lực cho các ngành khác phát triển. Nếu như năm 1995, chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP 3,21% thì đến năm 2012 du lịch đã đóng góp vào GDP gần 6%.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quan điểm phát triển du lịch theo Chiến lược đã được phê duyệt gồm: Du lịch Việt Nam phải nhanh chóng trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP; gắn phát triển du lịch với bảo tồn các di tích lịch sử; tăng cường xã hội hóa
Thừa nhận vẫn tồn tại tình trạng “chặt chém” du khách, gây sự thiếu thiện cảm đối với ngành “công nghiệp không khói”, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân là do sự phối hợp liên ngành chưa tốt; thiếu kiểm tra, giám sát những điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, “chặt chém” du khách; các văn bản liên quan để xử lý vi phạm, các mức độ xử phạt còn nhẹ. Giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành Nghị định tăng mức xử phạt. Song, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh hiện tượng này không phải là phổ biến ở tất cả các địa phương. Có nhiều địa phương không xảy ra tình trạng này, Bộ trưởng giải trình.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về những giải pháp khắc phục yếu kém nội tại, đưa ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn, nhưng để tiềm năng trở thành hiện thực đòi hỏi một quá trình tích lũy kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của người dân
Chưa tán thành câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Bộ trưởng trả lời dứt điểm câu hỏi của đại biểu: Đến năm 2020 theo chiến lược phát triển 10 năm thì du lịch Việt Nam có ngang tầm khu vực không? Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh một lần nữa khẳng định: Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều, nỗ lực nhiều và cần có sự chung tay góp sức của người dân, của chính quyền các cấp và đặc biệt là các doanh nghiệp.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã tham gia làm rõ thêm một số vấn đề liên quan. Bộ trưởng đánh giá công tác giáo dục đạo đức trong học sinh, sinh viên thời gian qua có những đổi mới tiến bộ, thu được nhiều kết quả. Tuy nhiên bên cạnh những thành công, tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biễn phức tạp, đạo đức học sinh có những diễn biến mới. Đề cập tới các giải pháp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, ngành giáo dục chủ động đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, thi cử... đối với các môn liên quan tới giáo dục đạo đức công dân; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; lồng ghép việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với cuộc vận động mỗi thầy giáo là tấm gương đạo đức, tấm gương tự học và sáng tạo... Cùng với đổi mới phương pháp dạy học, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo tăng cường các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học, từng địa phương theo từng chủ đề, giúp cho việc học văn hóa, rèn luyện sức khỏe hình thành nhân cách phối hợp đồng bộ với nhau....
Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu đều khẳng định văn hóa, thể thao và du lịch nước ta có nhiều tiến bộ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các ngành để có những biện pháp tích cực phát huy sức mạnh của nền văn hóa dân tộc; đồng thời khắc phục những tồn tại đã được các đại biểu Quốc hội nêu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cần có những giải pháp để nâng cao vị thế, tiềm năng du lịch Việt Nam, để du lịch Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, với thương hiệu tốt, trở thành ngành kinh tế tác động tích cực vào nền kinh tế nước nhà.