28/04/2015 - 21:06

Tạo bứt phá, nâng tầm doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong chuỗi sự kiện hoạt động của Hội chợ Mekong Expo 2015, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chất lượng cao”. Tại hội thảo lãnh đạo thành phố, các sở ngành hữu quan cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã cùng đánh giá lại thực trạng phát triển của DNNVV trong ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp căn cơ để phát huy tiềm lực của các DNNVV trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của thành phố.

Thiếu lợi thế cạnh tranh

 Các DNNVV cần được hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của DNTN Cơ khí Sông Hậu. Ảnh: M. HUYỀN

Trên địa bàn TP Cần Thơ có gần 12.000 DN đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 43.000 tỉ đồng. Xét theo tiêu chí phân loại của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP là Doanh nghiệp nhỏ và vừa, số DN có vốn dưới 10 tỉ đồng chiếm 85% tổng số DN của thành phố. Trong các năm qua DNNVV đã có những bước tiến đáng kể, đóng góp khoảng 45% GDP, khoảng 25% tổng thu ngân sách, góp phần giải quyết hơn 60% lao động phi nông nghiệp. DNNVV đã và đang trở thành bộ phận quan trọng trong kinh tế của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cộng đồng DNNVV của TP Cần Thơ nói chung và DN trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng chưa phát huy được các lợi thế về quy mô, tính linh hoạt trong môi trường kinh tế mới nhiều cạnh tranh như hiện nay. Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đa phần DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng vì tài sản thế chấp ít, thiếu kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ sổ sách kế toán, thực hiện chế độ báo cáo tài chính và quản lý dòng tiền nên các ngân hàng khó chấp nhận. Trình độ quản lý điều hành, năng lực của đội ngũ quản lý và kỹ thuật… còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng, tiếp cận thông tin, đổi mới công nghệ cũng như ứng dụng quản lý tiên tiến, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Công nghệ sản xuất của các DN còn khá lạc hậu so với mức trung bình chung của các nước trong khu vực. Chỉ một số rất nhỏ DN đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, còn phần lớn DN sản xuất thủ công và bán tự động. Hầu hết sản phẩm của DNNVV ở Cần Thơ là các sản phẩm đơn lẻ phục vụ gia công sửa chữa trong ngành công nghiệp và ngành chế chiến nông thủy sản. Chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao, hàm lượng công nghệ thấp, mẫu mã và giá thành chưa cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ một số nước trong khu vực.

Thời gian qua, TP Cần Thơ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, cơ khí chế tạo công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ. Thế nhưng, các DN thuộc nhóm ngành này gặp không ít khó khăn trước yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, chia sẻ: “Thực tế cho thấy, các DN cơ khí nhỏ và vừa với lực lượng lao động ít, mặt bằng sản xuất không lớn, nguồn vốn kinh doanh có hạn… Về mặt bằng sản xuất, doanh nghiệp cũng gặp khó khi cơ sở sản xuất nằm đan xen trong khu dân cư. Khi cần mở rộng quy mô sản xuất lại không có chỗ, vào khu công nghiệp thì chưa đủ tầm cỡ và năng lực. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về cải tiến công nghệ còn mang nặng tính thủ tục nên DN ngần ngại khi tiếp cận”.

Theo xu hướng tất yếu, TP Cần Thơ đang hình thành và phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định và giải quyết nhiều lao động. Về lâu dài, cần tập trung chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phục vụ xuất khẩu… Để phát huy tích cực vai trò của các DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp, vấn đề đặt ra vẫn là bài toán vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, những cơ chế chính sách cần thiết để hỗ trợ đổi mới công nghệ… Mục tiêu cụ thể đã có, song cũng cần có cách thức tiếp cận phù hợp để mỗi DNNVV có thể hấp thụ được vốn tín dụng, hấp thụ được những công nghệ mới và năng động tham gia vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.

Cần sự tiếp sức từ Nhà nước

Theo định hướng chung, thời gian tới, DN công nghiệp của TP Cần Thơ phát triển tập trung ở các lĩnh vực ưu tiên gồm: công nghệ chế biến, cơ khí chế tạo công nghệ cao và công nghệ phụ trợ. Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố tập trung vào các nhóm giải pháp mang tính chiến lược và đột phát như: đổi mới thể chế phát triển công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực và giải pháp về công nghệ,... Đồng thời, chú trọng các nhóm giải pháp nâng cao năng lực của DNNVV, kết hợp với việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DNNVV phát triển ổn định và bền vững. Đơn cử như quan tâm, triển khai thực hiện chương trình đối thoại, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh hoạt động và vai trò của Tổ hỗ trợ DN của thành phố; đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp để khuyến khích DN đầu tư, tham gia sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất...

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, bên cạnh những nỗ lực của bản thân doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua việc tiến hành các hoạt động xây dựng, quảng bá và nâng cao uy tín sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước. Khi hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với các rào cản kỹ thuật từ các nước, do đó ngành chức năng cần hướng dẫn, tư vấn và tổ chức các lớp học về các vấn đề pháp lý, tranh chấp thương mại trong hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế... Cùng quan điểm trên, ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, kiến nghị: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Bởi đây là điểm mấu chốt nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa và tăng hiệu quả kinh tế, từ đó tạo thế cạnh tranh trên thương trường. Cơ khí là ngành nghề đặc thù. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách thuế giá trị gia tăng mang tính đặc thù cho ngành cơ khí và đúc luyện kim khoảng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 17%”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, khẳng định: Thành phố đang nỗ lực đầu tư và thu hút đầu tư đẩy nhanh sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên cho các ngành công nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng, công nghiệp sạch, đảm bảo môi trường. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chất lượng cao, thành phố đã ban hành các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời yêu cầu các sở, ngành hữu quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các DNNVV có điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ này. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành thành phố cần quan tâm lắng nghe, trao đổi, thảo luận, tiếp thu ý kiến của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đề xuất về các chính sách, giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần năng động đổi mới phương thức điều hành, quản trị gắn với đầu tư nâng chất lượng sản phẩm theo yêu cầu thị trường để từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

M.HUYỀN-M.THANH

Chia sẻ bài viết