15/06/2010 - 21:53

XUẤT KHẨU HÀNG HÓA TRONG 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2010

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2010, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ thu ngoại tệ của các doanh nghiệp (DN) đạt trên 350 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng năm 2009 và đạt gần 39% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa trên 339 triệu USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng mới đạt gần 39% kế hoạch năm. Còn dịch vụ thu ngoại tệ trên 11 triệu USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 38% kế hoạch năm. Một số mặt hàng xuất khẩu còn gặp khó về thị trường, do vậy để đạt kế hoạch, cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng còn khó khăn

TP Cần Thơ có 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và thủy sản. Bên cạnh đó, thành phố còn xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép, da thuộc, hàng thủ công mỹ nghệ, gỗ...

Trong 5 tháng đầu năm 2010, tình hình xuất khẩu thủy sản tương đối thuận lợi, do các thị trường chủ yếu của mặt hàng thủy sản như: Mỹ, Nhật Bản đang trên đà hồi phục kinh tế, nhu cầu nhập khẩu tăng. Các DN trên địa bàn thành phố đã xuất khẩu được trên 78.000 tấn thủy sản, đạt gần 49% kế hoạch năm và tăng hơn 55% so với cùng kỳ, với giá trị trên 162 triệu USD, đạt hơn 37% kế hoạch năm và tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2009. Song, xuất khẩu thủy sản cũng đang phát sinh nhiều khó khăn như: tình hình nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến xuất khẩu chưa ổn định, mất cân đối cung-cầu nội bộ. Một số DN thủy sản phải hoạt động cầm chừng, do thiếu nguyên liệu sản xuất. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng và có những diễn biến bất thường cũng đã làm tôm sú tại nhiều địa phương ở ĐBSCL bị chết hàng loạt, các DN chế biến xuất khẩu mặt hàng tôm thiếu nguyên liệu, có nhiều khả năng không đạt kế hoạch xuất khẩu đã đề ra trong năm nay.

Làm hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần may Meko ở Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ. 

Còn xuất khẩu hàng may mặc, giày-dép, thuộc da và thủ công mỹ nghệ của TP Cần Thơ trong những tháng đầu năm 2010 đã có bước tăng khá mạnh. Các DN hàng may mặc đã xuất khẩu trên 1,2 triệu sản phẩm, với giá trị trên 19 triệu USD, đạt 43,8% kế hoạch năm và tăng hơn 66,7% so với cùng kỳ. Còn giày, dép thực hiện hơn 174.000 đôi, với giá trị 1,8 triệu USD, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm trước. Hàng thủ công mỹ nghệ thực hiện được giá trị hơn 2,6 triệu USD, đạt hơn 38% kế hoạch năm và tăng 81% so với cùng kỳ năm trước...

Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo lại có dấu hiệu suy giảm đáng lo ngại. Trong 5 tháng đầu năm 2010, các DN xuất khẩu gạo đã xuất trên 182.000 tấn gạo, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước và mới đạt hơn 30% kế hoạch năm; với giá trị gần 83 triệu USD, đạt 30% kế hoạch năm và giảm 20,7 % so với cùng kỳ năm trước. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ và nhiều DN, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm ít thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu của các nước thấp. Những tháng đầu năm 2010, các DN chủ yếu thực hiện xuất khẩu theo chỉ tiêu được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ từ các hợp đồng tập trung của Chính phủ. DN thực hiện mua lúa gạo trạm trữ theo chủ trương của Chính phủ và thực hiện chính sách bảo hiểm giá 4.000 đồng/kg lúa, nên giá lúa trong nước tương đối ổn định, tiến độ thu mua tốt, đảm bảo việc tiêu thụ lúa kịp thời cho nông dân. Nhưng giá xuất khẩu gạo liên tục giảm, nhiều DN xuất khẩu gạo đang gặp khó khi lượng hàng tồn kho nhiều, sức tiêu thụ hàng chậm. Đồng thời, DN phải chịu áp lực lãi suất vốn vay ngân hàng và lo ngại hàng bị giảm giá và phẩm cấp gạo. Giá xuất khẩu gạo 5% tấm đã giảm 200 USD/tấn so với đầu năm, hiện chỉ còn khoảng 350 USD/tấn.

Ngoài những thuận lợi, khó khăn riêng của từng ngành hàng, trong những tháng đầu năm 2010, hoạt động xuất khẩu của các DN trên địa bàn thành phố còn gặp những khó khăn chung. Đó là tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm và tìm ẩn những bất ổn, nhất là việc đồng euro bị mất giá gần đây ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta vào thị trường châu Âu; lãi suất vay vốn tăng cao; giá cả vật tư đầu vào, giá nhân công và các chi phí sản xuất đều tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN... Đặc biệt, do cơ sở hạ tầng, giao thông và các cảng của thành phố chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều DN không thể đóng hàng container và xuất đi trực tiếp tại cảng TP Cần Thơ. Hầu hết các DN phải trung chuyển hàng lên TP Hồ Chí Minh, nên tăng thêm chi phí khoảng 10-11 USD/tấn hàng hóa, trong khi đó nhiều cảng ở TP Hồ Chí Minh đang quá tải, không đáp ứng kịp yêu cầu giao hàng của các DN...

DN lo ngại...

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã có cuộc họp với các sở, ngành thành phố, các ngân hàng và DN xuất khẩu trên địa bàn, sơ kết hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm và đề ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Trong đó, tập trung vào xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản. Để đẩy mạnh xuất khẩu, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn yêu cầu các DN cần tiếp tục chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, có chiến lược xuất khẩu phù hợp để đạt hiệu quả cao. Các ngành chức năng thành phố cần tiếp tục quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo điện cho sản xuất và vốn cho hoạt động xuất khẩu; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác thông tin dự báo thị trường và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu... Song song đó, UBND thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng...

Hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện chính sách điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt, cho DN chủ động mua, bán theo giá thị trường. Nếu DN có khách hàng và có giá đầu ra xuất khẩu gạo không phù hợp với giá sàn mà VFA đưa ra thì có thể báo trực tiếp với hiệp hội để giải quyết. Theo nhiều DN xuất khẩu gạo, với chính sách điều hành linh hoạt củaVFA, nếu DN chủ động tìm kiếm khách hàng, tin rằng sẽ có nhiều khách hàng và tìm được đầu ra cho gạo xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Nhưng vấn đề mà DN lo ngại nhất là việc thu mua lúa hàng hóa vụ hè thu 2010 cho nông dân. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Với giá xuất khẩu gạo ở mức khoảng 350 USD/tấn như hiện nay, bằng với giá lúa 4.000 đồng/kg, nếu mua lúa vụ hè thu của nông dân với giá trên 4.000 đồng/kg, DN khó có lời. Vì vậy, nếu không được sự hỗ trợ về vốn và lãi suất vốn vay của Nhà nước, nhiều DN sẽ gặp khó trong việc thu mua lúa cho nông dân với giá mà nhà nông có lời trên 30%...”.

Còn theo các DN xuất khẩu thủy sản, dự đoán tình hình thị trường xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2010 tuy có khó khăn nhưng không đáng lo ngại. Ông Lương Hoàng Mãnh, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Mekong, cho biết: “Dự kiến trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của công ty đạt 25 triệu USD. Tính đến nay, công ty đã xuất khẩu đạt trên 10 triệu USD nên khả năng hoàn thành kế hoạch là trong tầm tay”. Vấn đề mà nhiều DN lo nhất là tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến, do tôm sú tại nhiều địa phương bị chết và nhiều người nuôi cá tra đang “treo ao” vì thua lỗ. Để chủ động nguồn nguyên liệu, hiện nhiều DN đã tự phát triển nuôi cá. Tuy nhiên do phải lo cả khâu xuất khẩu lẫn khâu chăn nuôi nên nhiều DN đã gặp khó về vốn. Theo ông Lương Hoàng Mãnh, hiện có tình trạng một số nhà máy thủy sản bị thiếu nguyên liệu phải hoạt động cầm chừng, nhưng giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản lại không tăng mà có xu hướng giảm so với các năm trước. Sở dĩ có nghịch lý này, do dù có nhiều người đã treo ao nhưng thủy sản của nước ta đã phát triển quá mức về quy mô và sản lượng nuôi, cũng như số lượng các nhà máy chế biến thủy sản làm cung vượt cầu, khiến giá bán khó tăng. Do vậy, đã đến lúc ta cần quy hoạch lại vùng nuôi và tính toán lại việc xuất khẩu một cách hiệu quả, không nên xuất khẩu chạy theo số lượng, với giá xuất thấp làm người nuôi cá bị thiệt.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ, thời gian qua các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã đáp ứng tương đối tốt về vốn cho các DN vay phục vụ xuất khẩu. Khảo sát tại 17 ngân hàng lớn trên địa bàn cho thấy, các ngân hàng đều dành trên 20% vốn để cho vay xuất khẩu. Trong những tháng đầu năm 2010 lãi suất vốn vay ở mức cao nhưng hiện mặt bằng lãi suất đang giảm dần. Còn ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2010, Sở Công thương thành phố sẽ tăng cường các biện pháp nhằm hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu; theo dõi diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất Bộ Công thương và UBND thành phố giải quyết các vướng mắc khó khăn, giúp DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu...”.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết