09/11/2019 - 06:52

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Tăng trưởng bao trùm để giảm chênh lệch vùng miền 

Chiều 8-11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tại phiên họp các đại biểu (ĐB) đã chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các nội dung liên quan đến: đánh giá lại quy mô GDP; giải pháp đột phá để phát triển bền vững; phát triển kinh tế tư nhân...

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: VGP

Ổn định vĩ mô, đồng thời nâng cao ý thức tự cường của người dân

Trả lời chất vấn của ĐB về giải pháp để thực hiện tăng trưởng bao trùm, phát triển hài hòa, một cách mạnh mẽ, thực chất; giải pháp đột phá để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Mô hình tăng trưởng của chúng ta nhấn mạnh đến sự bình đẳng và tiếp cận các cơ hội, để  mọi người dân thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bỏ lại phía sau”.  Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương này rất quan trọng. Đảng, Nhà nước ta xác định phát triển đồng đều các vùng. “Chủ trương này rất thành công. Độ chênh lệch tuy là có, nhưng so với các nước khác, nước ta còn tốt hơn. Chúng ta vui mừng về sự phát triển các vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân. Chúng ta đã có 118 chương trình  liên quan đến phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Và trong phiên họp này, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về Đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi và từ đó thực hiện chủ trương phát triển bao trùm” - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện tăng trưởng bao trùm phải ổn định vĩ mô. “Bởi vì, nếu phát triển nhanh nhưng lạm phát cao, không cải thiện được đời sống nhân dân. Giữ chỉ số lạm phát như vừa qua là rất cần thiết” - Thủ tướng phân tích, đồng thời cho biết, chúng ta có chính sách  giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng để có thu nhập; tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người có thu nhập, nhất là người nông thôn, miền núi. Bên cạnh việc ổn định vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh phải nâng cao ý thức tự cường của người dân.

Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng cho biết, mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, sản phẩm còn yếu so với các nước phát triển. Nhất là chúng ta có ít doanh nghiệp, tập đoàn lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

 Thủ tướng đề nghị phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tốt hơn, nền tảng cho sự phát triển. “Để thực hiện được điều đó cần thể chế pháp luật; hai là nguồn nhân lực; đặc biệt là hạ tầng chất lượng cao. Ba khâu này là điểm nghẽn của đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định. Muốn tái cơ cấu thành công thì phải đẩy mạnh 3 khâu này” - Thủ tướng nêu rõ. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng cần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và tái cơ cấu. Thủ tướng ghi nhận, nhiều địa phương tái cơ cấu ngành rất tốt như: tỉnh Đồng Tháp hay Sơn La là tỉnh miền núi, thực hiện tái cơ cấu rất thành công và hiện có vùng trái cây lớn,...

“Kinh tế ban đêm” là một xu hướng, Việt Nam nên tận dụng thời cơ

Trả lời chất vấn của ĐB về quan điểm phát triển “kinh tế ban đêm”, Thủ tướng cho biết: Kinh tế ban đêm là một sự năng động của kinh tế trong bối cảnh mới quốc tế, là thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. “Năm nay ít nhất là 18 triệu lượt khách quốc tế, phần lớn trái múi giờ Việt Nam, mình mà đi ngủ, người ta đi chơi sẽ không có thời cơ để phục vụ, quảng bá về văn hóa ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ở Việt Nam. Cho nên, kinh tế ban đêm cũng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động” - Thủ tướng nói, đồng thời cho rằng, trước hết, các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn sẽ có điều kiện phát triển kinh tế ban đêm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Đây cũng là vấn đề để trả lời các câu trả lời: Làm gì để du khách đến đông hơn? Làm gì để du khách ở lâu hơn? Làm gì để khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để khách kể về những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam? Nhất là làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?” - Thủ tướng nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh “phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam nên tận dụng thời cơ này”. Tuy nhiên, “kinh tế ban đêm” cũng có những mặt trái, Thủ tướng đề nghị cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân

Trả lời chất vấn của ĐB về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước, chúng ta đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.

Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân; các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân đã thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước.

“Chúng ta vui mừng là có nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, nhất là đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Đảng, Nhà nước hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới” - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt  chủ trương, Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

*

*     *

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn các nội dung xoay quanh công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Quang Vũ- Xuân Tùng (TTXVN)

Chia sẻ bài viết