29/06/2019 - 20:44

Tăng đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long 

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nỗ lực rất lớn trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và kết quả PCI 2018, vùng dẫn đầu cả nước về chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian và chi phí không chính thức, tính năng động. Song, thách thức nội tại, thiếu liên kết và đầu tư từ Trung ương cho vùng chưa đáp ứng yêu cầu là lực cản lớn cho sự phát triển của vùng. Tăng đầu tư cho ĐBSCL, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của Chính phủ về sự phát triển thịnh vượng của vùng là yêu cầu tất yếu hiện nay.

Các nhà đầu tư ký thỏa thuận hợp tác đầu tư vào TP Cần Thơ (tháng 8-2018).

Các nhà đầu tư ký thỏa thuận hợp tác đầu tư vào TP Cần Thơ (tháng 8-2018).

Nhu cầu vốn đầu tư lớn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư trong kế hoạch trung hạn được bố trí cho vùng ĐBSCL (chưa bao gồm 10% dự phòng) là hơn 193.967 tỉ đồng chiếm 16,53% so với cả nước và chiếm 40% tổng chi đầu tư phát triển của vùng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hơn 79.905 tỉ đồng; còn lại là nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương trên 114.061 tỉ đồng. Nguồn vốn phân bổ được đầu tư thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho lĩnh vực nông nghiệp với 28.200 tỉ đồng (chiếm 29% tổng vốn toàn ngành); thông qua Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là 32.961 tỉ đồng; đầu tư cho lĩnh vực y tế đạt 947,5 tỉ đồng và các địa phương trong vùng đều được đầu tư bệnh viện đa khoa tỉnh với trang thiết bị khá hiện đại, đồng bộ.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT còn bố trí vốn xử lý sạt lở cấp bách nguy hiểm từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 là 1.500 tỉ đồng cho vùng. Bộ đang rà soát, tổng hợp báo cáo Chính phủ cân đối nguồn lực trình cơ quan có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách, đang là điểm nghẽn của vùng trong lĩnh vực giao thông, biến đổi khí hậu từ nguồn dự phòng chung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đồng thời đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để đề xuất một số dự án mới triển khai trong giai đoạn 2021-2025 cho vùng ĐBSCL.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng đề xuất các chương trình và dự án liên kết vùng ĐBSCL. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản số 3974/BKHĐT-KTĐPLT ngày 11/6/2019) về danh mục chương trình, dự án liên kết vùng. Trong đó đề xuất 38 dự án đáp ứng tiêu chí là dự án liên kết vùng với tổng nhu cầu vốn đầu tư gần 89.799 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương hơn 88.557 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương 397,4 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp 319,2 tỉ đồng; còn lại từ vốn khác). Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa cân đối được nguồn vốn để thực hiện các dự án liên kết vùng lúc này. Vì vậy, Bộ KH&ĐT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.

Để vượt qua thách thức

Mới đây, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia quốc tế, nhà khoa học trong nước đều khẳng định Nghị quyết 120 thể hiện tầm nhìn chiến lược cho vùng nhưng để hiện thực hóa tầm nhìn vẫn phải gỡ rất nhiều điểm nghẽn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cho biết: “Các nghiên cứu của chúng ta chưa có đánh giá tổng thể về thách thức và thực trạng của vùng. Do vậy, cần nghiên cứu cụ thể để làm cơ sở dữ liệu cho triển khai các mục tiêu phát triển. Để phát triển bền vững ĐBSCL cần bổ sung thêm các nguồn vốn khác ngoài vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, chú trọng xây dựng chương trình tổng thể cho phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với ĐBKH làm cơ sở huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ song phương, các định chế tài chính quốc tế”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bộ sẽ đàm phán và khuyến khích các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp nguồn vốn ODA theo phương thức hỗ trợ- ngân sách- mục tiêu với một cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho ĐBSCL trên nguyên tắc đảm bảo cân đối ngân sách, ưu tiên dự án đầu tư liên kết của vùng và tăng tính chủ động cho các địa phương. Đồng thời hỗ trợ các địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, thủy sản vốn là thế mạnh của vùng. Xây dựng và trình Chính phủ một cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, đủ hiệu lực, hiệu quả để giải quyết nhanh, kịp thời những vấn đề bức xúc, những vấn đề thuộc điểm nghẽn phát triển của vùng.

Là đối tác phát triển của Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng quy hoạch vùng phải đóng vai trò là khuôn mẫu để xây dựng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, thịnh vượng và bền vững thông qua việc xác định cơ cấu kinh tế, đô thị và công nghiệp phù hợp cho khu vực này. Với tư cách là các đối tác phát triển, WB cam kết hỗ trợ ĐBSCL thực hiện quy hoạch. Từ năm 2015, WB đã huy động khoảng 1,6 tỉ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL và phần lớn đều gắn với Nghị quyết 120. Thời gian tới, WB đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết 120 cho vùng ĐBSCL. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ cho các bộ, ngành và địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.

Xét về cơ cấu kinh tế, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL có cơ cấu kinh tế tương tự nhau, chưa phát huy tốt lợi thế so sánh, nên việc đầu tư còn trùng lắp, dàn trải, không gian kinh tế vùng bị chia cắt, xuất hiện một số “xung đột lợi ích” trong ưu tiên phát triển giữa các địa phương. Do vậy, các chuyên gia cho rằng quy hoạch vùng cần tránh chồng chéo, xung đột lợi ích và hướng đến mục tiêu chung, không “xé rào” quy hoạch. Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững và thịnh vượng.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết