Công tác quản lý nợ thuế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Thuế. Việc này không những đáp ứng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, còn góp phần chấn chỉnh và làm chuyển biến nhận thức trong việc chấp hành chính sách pháp luật thuế của người nộp thuế. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng đối với tất cả các đối tượng nộp thuế. Toàn ngành Thuế đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp thu hồi tiền nợ thuế, hạn chế nợ mới phát sinh...
Cán bộ ngành Thuế TP Cần Thơ hướng dẫn người nộp thuế cài đặt và sử dụng ứng dụng eTax Mobile - một trong những công cụ hiệu quả tra cứu nợ thuế, kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo bà Nguyễn Thu Trà, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế thuộc Tổng cục Thuế, triển khai công tác thu nợ, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã quyết liệt chỉ đạo các Cục Thuế địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Ðồng thời, đẩy mạnh việc nâng cấp ứng dụng hỗ trợ việc triển khai thu nợ thuế như đã thực hiện nâng cấp nhiều phiên bản ứng dụng công nghệ thông tin trong đó có nâng cấp chức năng tại phân hệ quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS); đẩy mạnh triển khai xây dựng một số ứng dụng như ứng dụng công nghệ trợ lý ảo trong công tác quản lý nợ trên eTax Mobile; biện pháp tạm hoãn xuất cảnh...
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thu nợ thuế của toàn ngành lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 8-2024 ước thu được 53.771 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 50.458 tỉ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.313 tỉ đồng. Ðến nay, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp với số tiền thuế nợ là 30.388 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các Cục Thuế địa phương, mặc dù đã quyết liệt trong công tác quản lý nợ thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế nhưng số nợ thuế còn cao, công tác thu hồi nợ thuế đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản đã thế chấp ngân hàng... dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước. Một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế, dù cơ quan thuế có đôn đốc nhưng doanh nghiệp chưa nộp. Mặt khác, còn có nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, cố tình chây ỳ nợ thuế... dẫn đến tình trạng nợ cũ chưa nộp hết đã phát sinh thêm nợ mới... Do vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, cơ quan thuế tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ, không để dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Tại TP Cần Thơ, xác định rõ nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý nợ thuế, ngay từ những ngày, tháng đầu năm 2024, Cục Thuế thành phố đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để quản lý nợ, nhất là thu hồi nợ. Ðồng thời, thực hiện đôn đốc người nộp thuế, ban hành thông báo, công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh... Cơ quan Thuế cũng tăng cường thực hiện các biện pháp thu hồi, không để kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh, kiên quyết xử lý đối tượng chây ỳ. Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ cho biết: Thời gian tới, ngành Thuế thành phố tiếp tục thực hiện công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trên địa bàn triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Theo dõi, đôn đốc thu kịp thời đối với khoản tiền thuế, tiền thuê đất hết thời gian gia hạn. Cục Thuế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố xem xét, tham mưu UBND thành phố về việc thu hồi đất đối với những dự án chây ỳ, nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát danh sách những người nộp thuế có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định các biện pháp thu hồi nợ cụ thể, báo cáo UBND thành phố và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ...
Cùng với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, toàn ngành Thuế đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế, triển khai thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ chính sách về thuế của Quốc hội, Chính phủ... Song song đó, để tăng cường công tác quản lý và thu hồi nợ thuế đạt hiệu quả, ông Ðặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, yêu cầu Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế các địa phương đề xuất các nhóm giải pháp để thu hồi nợ thuế hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú ý đến áp dụng tự động hóa, số hóa và truy xuất dữ liệu lớn (Big data) của ngành Thuế áp dụng vào công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần tiếp tục rà soát, phát hiện các khoản nợ sai, nợ ảo; đặc biệt là các khoản mới phát sinh sau khi hệ thống chốt sổ để xử lý kịp thời. Ðồng thời tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp cố tình chây ỳ nợ thuế sau khi đã được cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nhắc nhở, cảnh báo. Mặt khác, tăng cường kiểm soát và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng trên địa bàn để triển khai cưỡng chế, thu hồi nợ đọng thuế…
Bài, ảnh: KIM PHÚC