26/12/2009 - 09:26

Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế

* Xử lý sai phạm tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông
* TP HỒ CHÍ MINH: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng

(TTXVN)- Tại Công văn số 9068/VPCP-KNTN, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vừa có ý kiến chỉ đạo về kết quả tổ chức đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 6 với các nhà tài trợ quốc tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu những kinh nghiệm, khuyến nghị được nêu tại Đối thoại để tiếp thu, vận dụng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của Việt Nam. Từ đó, tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ đề Đối thoại về phòng, chống tham nhũng với các nhà tài trợ quốc tế năm 2010 để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Cuộc Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 6 với các nhà tài trợ quốc tế được tổ chức vào ngày 26-11-2009 với chủ đề phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Mặc dù những tiêu cực trong ngành Y tế không phải là phổ biến nhưng thực tế vẫn có tồn tại ở một số ít cơ sở y tế, mà theo báo cáo tại cuộc đối thoại thì có 5 dạng sai phạm chủ yếu như: giá bán thuốc cao hơn so với giá kê khai; chưa thực hiện đúng các chế độ thanh toán viện phí và bảo hiểm y tế trong điều trị; lấy thuốc, vật tư của Nhà nước bán ra thị trường; nhũng nhiễu, vòi tiền người bệnh hoặc kê đơn thuốc không hợp lý để hưởng hoa hồng tiền bán thuốc; lạm dụng xét nghiệm trong chẩn đoán nhằm rút ruột bảo hiểm y tế và sai phạm về mua sắm trang thiết bị y tế... Từ thực trạng này, các báo cáo đề xuất nhiều giải pháp ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực y tế cả trước mắt và lâu dài.

* Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 9137/VPCP-KNTN ngày 24-12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) xử lý các vi phạm trong đầu tư dự án của một số công ty thành viên; đồng thời đôn đốc các đơn vị nộp các khoản tiền sai phạm trong quá trình cổ phần hóa.

Qua thanh tra tại VNPT, Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm trong việc chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) và CPH. Về việc chỉ đạo CPH, Tập đoàn chưa hoàn thành CPH những đơn vị có quy mô vốn nhà nước tương đối lớn như Công ty Thông tin di động, Công ty TNHH một thành viên cáp quang FOCAL; không ra Quyết định CPH đối với 26/39 đơn vị thành viên của VNPT.

Việc phê duyệt điều chỉnh giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC), Công ty Cổ phần thiết bị Bưu điện (POSTEF) chưa chính xác; chưa quyết toán vốn nhà nước khi chuyển sang Công ty cổ phần; chưa bàn giao tài sản, tiền vốn, lao động giữa doanh nghiệp (DN) nhà nước và công ty cổ phần của 24 đơn vị đã CPH. Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng đất đai còn nhiều thiếu sót, xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp (DN) ở một số đơn vị không đúng quy định. Các đơn vị thành viên quản lý, sử dụng 343.981m2 đất nhưng tính đến hết năm 2008, còn 13 đơn vị chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, chưa nộp tiền thuê đất theo quy định, chưa chuyển sang hình thức thuê đất đối với diện tích đất giao, đất chuyển nhượng; trái với quy định của pháp luật.

Về việc CPH, cổ tức của phần vốn nhà nước và khoản lãi chậm nộp chưa nộp về VNPT. Việc điều chỉnh các số liệu tài chính như: tiền thu sử dụng vốn, phân phối lợi nhuận; giá trị lợi thế kinh doanh; giá trị thu hồi tài sản không cần dùng xác định thiếu và sử dụng quỹ dự phòng... không đúng làm tăng giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động không mua hết cho một số cán bộ trong công ty theo mệnh giá mà không có ý kiến phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Tập đoàn chưa tiến hành bàn giao tài sản, tiền vốn giữa công ty nhà nước và công ty cổ phần; xác định thiếu giá trị DN làm giảm giá trị vốn nhà nước; xác định thiếu vào giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần; chưa quyết toán kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư với Bộ Tài chính; chưa nộp tiền thanh lý tài sản về công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng.

Từ những báo cáo kết luận trên, Phó Thủ tướng giao VNPT xử lý các vi phạm của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC), Công ty cổ phần Thương mại Bưu chính Viễn thông (COKYVINA), Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF), vì đã có vi phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu VNPT phải chịu trách nhiệm đôn đốc các đơn vị nộp các khoản nợ phần vốn nhà nước về Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp VNPT 64.660.174.887 đồng; cổ tức phần vốn nhà nước về VNPT là 23.647.258.471 đồng, trước ngày 31-12-2010. VNPT cũng phải thu hồi ngay các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân là 529.921.706 đồng bổ sung về ngân sách nhà nước; khoản giá trị bán thanh lý tài sản không cần dùng trị giá 281.700.000 đồng về Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Đồng thời, VNPT phải tiến hành rà soát diện tích đất tại các đơn vị đã cổ phần hóa thuộc Tập đoàn đang quản lý sử dụng, xử lý những tồn tại, sai phạm về đất đai như trong Kết luận thanh tra đã nêu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ quản của VNPT kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan để xảy ra các tồn tại, sai phạm.

* Ngày 25-12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2009, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, cán bộ, đảng viên, phát hiện kịp thời những hành vi sai phạm, những vụ việc tham nhũng.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh ý nghĩa hết sức quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng; đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Ông đề nghị các cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các quy định của Nhà nước liên quan phòng ngừa tham nhũng; quan tâm giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, quần chúng thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Năm 2009, UBND TP Hồ Chí Minh đã tăng cường chỉ đạo Thanh tra các cấp của thành phố làm rõ 16 vụ việc nổi cộm. Toàn ngành Thanh tra thành phố đã thực hiện 329 cuộc thanh tra đối với 960 đơn vị, phát hiện 136 đơn vị có sai phạm: sai phạm về kinh tế 622,8 tỉ đồng, 1 căn nhà và hơn 100.000 m2 đất. Thanh tra các Sở, ngành thực hiện 18.814 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 26.446 đơn vị, cá nhân sai phạm, kiến nghị thu 154,179 tỉ đồng. Công an Thành phố cũng đã điều tra 14 vụ án tham nhũng với 40 bị can, gây thiệt hại 78,386 tỉ đồng. Trong công tác truy tố cho thấy trong năm nay, án tham nhũng-chức vụ khởi tố mới tăng so với cùng kỳ năm trước, đối tượng phạm tội đa số giữ các chức vụ chủ chốt, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm tra đã lập quỹ trái phép, làm giả chứng từ để biển thủ công quỹ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản.

Chia sẻ bài viết