16/09/2019 - 08:02

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong trường học 

Trường học là nơi tập trung đông người nên dịch bệnh có điều kiện lây lan, nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của học sinh thì dịch bệnh rất dễ bùng phát.

►Dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hiện hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam ghi nhận hơn 170 trường hợp sốt phát ban nghi sởi hàng tuần và chiều hướng số ca mắc bệnh tay chân miệng tương tự mùa dịch năm 2018.

Thời điểm học sinh bước vào năm học mới cũng là mùa mưa, là môi trường thuận lợi để dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết phát triển. Học sinh là lứa tuổi dễ mắc bệnh, nhất là tuổi mầm non do hệ thống miễn dịch của các cháu chưa phát triển toàn diện. Thời gian học sinh ở trường, từ những việc nhỏ như: rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, việc tổ chức các bữa ăn nếu nhà trường không chú trọng, thực hiện nghiêm túc thì dễ phát sinh các mầm bệnh.

Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm  Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, cho biết: Các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường là bệnh cúm, sởi, chân tay miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy, quai bị, thủy đậu… Nhà trường cần theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa phương; truyền thông cho học sinh và phụ huynh học sinh tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện bệnh thì đưa con em đi khám và thông báo cho giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế trường học để xử trí kịp thời.

►Chủ động phòng bệnh

Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, để chủ động phòng chống dịch, khi học sinh đến lớp, giáo viên cần sàng lọc đầu vào, cho học sinh nghỉ học khi các cháu bị sốt, ho, đau họng… (biểu hiện nghi ngờ bệnh cúm);  sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng… (biểu hiện nghi ngờ bệnh sởi); sốt, đau đầu, nổi mụn nước phồng rộp trên khắp cơ thể, ngay cả trong niêm mạc lưỡi và miệng (biểu hiện nghi ngờ thủy đậu); sốt, ho, phát ban, nổi nốt phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối (biểu hiện nghi ngờ bệnh tay chân miệng)… kịp thời báo cho phụ huynh đưa con em đi điều trị và báo với cán bộ y tế trường học, ban giám hiệu. Học sinh, giáo viên bị các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng… phải nghỉ và cách ly y tế 7 ngày kể từ ngày xuất hiện triệu chứng bệnh và cần thông báo kịp thời cho trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn.

Trẻ rửa tay sau khi đi vệ sinh tại Trường Mầm non Sao Mai (quận Ô Môn).

Bên cạnh đó, nhà trường, giáo viên, cô bảo mẫu phải thực hiện vệ sinh và mở cửa thoáng mát phòng học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường. Nhà trường đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng dẫn các em thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh răng miệng. Một số bệnh có vắc- xin phòng như tiêu chảy, cúm, thủy đậu, quai bị... phụ huynh chủ động tiêm ngừa để phòng bệnh cho các cháu.

Khi trong lớp học có ổ dịch bệnh truyền nhiễm, giáo viên cần theo dõi hàng ngày tình hình sức khỏe toàn bộ học sinh để phát hiện bệnh nhân mắc mới cho đến khi ổ dịch chấm dứt (14 ngày). Riêng với bệnh tay chân miệng, thủy đậu, cần lau sàn nhà, bàn ghế, nắm đấm cửa, vật dụng đồ chơi, khu vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc dung dịch khử trùng có chứa Clo với nồng độ 0,5%. Khi xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết trong trường học cần phối hợp y tế xử lý diệt lăng quăng, kết hợp phun hóa chất diệt muỗi 2 lần, cách 7-10 ngày.

Trong nhiều năm nay, ở TP Cần Thơ, ngành giáo dục phối hợp ngành y tế thực hiện công tác y tế học đường rất tốt. Dịp hè vừa qua, ngành y tế phối hợp ngành giáo dục lồng ghép tập huấn, tuyên truyền cho lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, ban giám hiệu các trường, các thầy cô giáo, cán bộ chuyên trách y tế học đường những kiến thức về phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, thầy cô giáo sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng dịch cho giáo viên, học sinh trong trường học và phụ huynh bằng nhiều hình thức như: bảng truyền thông, loa phát thanh đầu giờ và cuối buổi học; sinh hoạt ngoại khóa; họp phụ huynh… giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe học đường ngày càng tốt hơn.

Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vừa có công văn đề nghị Sở Y tế 20 tỉnh, thành phía Nam tăng cường phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng trong mùa tựu trường. Theo đó, Sở Y tế TP Cần Thơ đã chỉ đạo CDC phối hợp ngành giáo dục tăng cường truyền thông; duy trì hoạt động giám sát ca bệnh; phát hiện, quản lý và điều trị sớm cho bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của chính quyền, kiểm tra tại cộng đồng, trong trường học, nhất là nhà trẻ tư nhân, các hộ gia đình nhận trông coi trẻ.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết