03/03/2010 - 08:09

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

Tăng cường hợp tác du lịch giữa Bali với các địa phương của Việt Nam

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Cao ủy Thương mại Ủy ban Châu Âu

Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Indonesia, chiều 2-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gặp Thống đốc tỉnh Bali, ngài Made Mangku Pastika, tại Văn phòng Tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ mục đích chuyến thăm của Đoàn nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp trong khuôn khổ quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Indonesia. Bày tỏ vui mừng được đến thăm Bali, hòn đảo đẹp nhất và là địa danh du lịch nổi tiếng của “đất nước vạn đảo” Indonesia, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà Bali đã đạt được trong những năm gần đây, đặc biệt là sự phát triển trở lại của ngành du lịch Bali, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Indonesia trên cơ sở song phương cũng như trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tích cực triển khai “Tuyên bố về Khuôn khổ Hợp tác hữu nghị và Toàn diện bước vào thế kỷ 21”, ủng hộ các địa phương của hai nước học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh với 5 di sản thế giới (Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Động Phong Nha - Kẻ Bàng, Đô thị cổ Hội An) và bày tỏ mong muốn Bali, thành phố du lịch nổi tiếng của Indonesia và thế giới, sẽ có quan hệ hợp tác với các địa phương của Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực trong đó có việc khai thác tiềm năng, phát triển du lịch.

Thống đốc Made Mangku Pastika bày tỏ vui mừng, trân trọng và tự hào được đón Đoàn đại biểu QH Việt Nam sang thăm Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng và giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp của Indonesia. Bày tỏ những ấn tượng sâu sắc về sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Việt Nam, đặc biệt là chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, Thống đốc mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai, vì cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân. Thống đốc cũng nhất trí cho rằng hai bên có nhiều điểm tương đồng, nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung cho nhau cùng phát triển. Ngài Thống đốc cho biết thêm Bali là một trong hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ của Indonesia, với hơn 3 triệu dân, trong đó 90% theo đạo Hindu, truyền thống văn hóa đặc sắc nên hấp dẫn du khách quốc tế, thời kỳ cao điểm số du khách lên tới 4 triệu lượt người/năm.

Theo lịch trình, tại Bali, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thăm một cơ sở sản xuất batik cao cấp và một gia đình sản xuất batik truyền thống.

* Ngày 2-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Cao ủy Thương mại Ủy ban Châu Âu Karel De Gucht đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Hoan nghênh chuyến thăm làm việc đầu tiên tại nước ta trên cương vị Cao ủy Thương mại Ủy ban Châu Âu của ông Karel De Gucht, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, chuyến thăm của ông sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU đang ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với EU. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và Hiệp định về khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa ASEAN với EU. Các Bộ, ngành của Việt Nam luôn sẵn sàng đàm phán để sớm ký kết được PCA và FTA với EU. Thủ tướng cho rằng, hai bên cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, nhất là việc EU gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam là không công bằng, gây rất nhiều khó khăn cho người lao động.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, là thành viên tích cực của WTO và có quan hệ thương mại đầu tư với hầu hết các quốc gia... đề nghị EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Cao ủy Thương mại của Ủy ban Châu Âu Karel De Gucht nhất trí hai bên cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị nhất là trên lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại. Ông mong muốn, hai bên tích cực đàm phán để sớm có thể ký kết được Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và Hiệp định về Khu vực mậu dịch tự do (FTA)...

Chia sẻ bài viết