07/06/2015 - 09:20

Tận dụng các cơ hội đầu tư

Hội nhập kinh tế quốc tế với việc tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, các địa phương cần hiểu rõ đối tác và xác định chính xác thế mạnh của mình để xây dựng chiến lược thu hút vốn FDI.

Cơ hội và thách thức

Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), đến thời điểm này, Việt Nam đã ký 10 FTA song phương và đa phương. Đồng thời đang xúc tiến đàm phán và tiến tới ký kết 4 hiệp định song phương và đa phương quan trọng khác, gồm: FTA Việt Nam- EU, Việt Nam- bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với các FTA đã ký kết và đang đàm phán, nhiều nhận định của các chuyên gia trong, ngoài nước cho rằng, FTA đồng thời mở ra các cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam. Đây là xu hướng tất yếu trong hội nhập kinh tế toàn cầu, do đó, cần phổ biến rộng rãi các thông tin về FTA đến các doanh nghiệp (DN), để DN có sự chuẩn bị tốt. Không thể chỉ nghĩ đến chuyện thắng – thua trong FTA, mà phải nghĩ đến việc làm gì để tận dụng tốt các cơ hội mà FTA mang lại.

Các cam kết về mở cửa thị trường là một trong những nội dung quan trọng của hầu hết các FTA mà Việt Nam đã ký kết, mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định ASEAN (ATIGA) là hiệp định nội khối, với mức cam kết tự do hóa gần 100%. FTA hoàn thành lộ trình cam kết cắt giảm các dòng thuế sớm nhất là ATIGA vào năm 2018. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa của DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước trong khu vực ASEAN. Sân chơi bình đẳng này không chỉ mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa cho DN mà các DN và các địa phương còn có cơ hội lớn trong hợp tác, thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, các DN nội cần đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị DN, quản trị các rủi ro và có chiến lược kinh doanh thích ứng trong điều kiện cạnh tranh, hội nhập. Các địa phương cần tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách phát triển tốt, cùng với môi trường kinh doanh năng động để đón cơ hội đầu tư.

Dây chuyền sản xuất găng tay bóng chày của Công ty TNHH Quốc tế Tri - Việt (100% vốn Nhật Bản) - KCN Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Kết quả điều tra DN FDI năm 2014 do VCCI thực hiện trên địa bàn 14 tỉnh thành cả nước với 1.491 DN FDI đến từ 43 nước, 92% là DN 100% vốn nước ngoài để đo lường, đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam, cho thấy DN FDI có những đánh giá khá tốt về lợi thế của Việt Nam. Năm 2014 vừa qua, 16,3% DN FDI cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 65,1% tuyển thêm lao động mới, ½ DN được điều tra cho biết sẽ tăng quy mô hoạt động. Việt Nam được đánh giá tốt ở các lĩnh vực, như: nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp, ổn định chính sách, khả năng tham gia của DN vào quá trình hoạch định chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến họ, Việt Nam có mức thuế khá tốt so với các quốc gia cạnh tranh (Mỹ, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Lào…). Tuy nhiên, khối DN ngoại cũng nhận định rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế) và chất lượng cơ sở hạ tầng yếu kém. Trừ lĩnh vực viễn thông, mức độ hài lòng của DN FDI tại Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng đều sụt giảm, chỉ ngang bằng với các nước Lào và Campuchia. Mức giảm lớn nhất được ghi nhận đối với các tuyến đường bộ, đường sắt và công tác xử lý chất thải. Do đó, cần khắc phục các hạn chế này; đồng thời tăng cường đào tạo lao động có tay nghề, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy thu hút vốn FDI.

Tăng niềm tin

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, có chính sách hỗ trợ thiết thực làm lực đẩy cho DN nội và thu hút DN ngoại là thông điệp mà các chuyên gia khuyến cáo thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Muốn làm được điều này, ngoài chính sách vĩ mô chung cần sự năng động của chính quyền địa phương. Theo nhận định của chuyên gia VCCI, nhiều DN FDI chọn đầu tư vào một số địa phương chỉ vì họ nhìn thấy cơ hội kinh doanh nơi đó, chứ ít DN cho rằng chất lượng điều hành kinh tế nơi đó tốt. Còn khối DN dân doanh đang hoạt động tại địa phương thì cho biết, chính quyền địa phương ưu ái DN ngoại nhiều hơn DN nội về chính sách thuế, đất đai… Do đó, sự năng động của chính quyền địa phương là một trong những mấu chốt củng cố lòng tin cho DN.

Kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 cũng cho thấy, DN mong muốn các chính sách được phổ biến rộng rãi hơn và sớm đến với DN, đặc biệt là các chính sách phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, cần nhiều cuộc đối thoại trực tiếp hơn giữa DN và chính quyền địa phương để mở ra các cơ hội tiếp cận chính sách cho DN, gỡ khó cho DN… Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết trong cuộc khảo sát DN về môi trường kinh doanh của Cần Thơ vào cuối năm 2014, DN nhận định môi trường kinh doanh của thành phố cải thiện so với những năm trước, DN phát triển thuận lợi hơn. Sự quyết tâm và năng động của lãnh đạo TP Cần Thơ được DN đánh giá cao. Cải cách hành chính có sự thay đổi dù chưa lớn; tiếp cận thị trường qua việc đăng ký kinh doanh và các bước tiếp cận đầu tư khá thuận lợi cho DN. DN cũng tin tưởng cao hơn vào vai trò của các cơ quan tư pháp thành phố. DN cũng tin tưởng với những nỗ lực trong điều hành của lãnh đạo thành phố trong hiện tại sẽ có những thay đổi đáng kể thời gian tới. DN đề nghị thành phố cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng hơn nữa và có chính sách phát triển kinh tế năng động hơn cho DN.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, kết quả khảo sát PCI 2014, DN cũng có rất nhiều kiến nghị với lãnh đạo địa phương. Đối với TP Cần Thơ, DN kiến nghị thành phố cần tăng cường kêu gọi đầu tư từ bên ngoài vào để DN có điều kiện hợp tác. Thành phố cần đánh giá năng lực của từng ngành có thế mạnh cụ thể hơn để DN biết tham gia theo chính sách của thành phố. VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng đề xuất thành phố cần tăng cường đối thoại trực tiếp với DN; mở rộng liên lạc với DN qua hộp thư điện tử. Cần có chiến lược phát triển rõ ràng để DN và nhà đầu tư biết và tham gia, như: chiến lược thu hút vốn FDI, cần cụ thể thu hút đầu tư của nước nào, chiến lược xúc tiến dài hạn… Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đặc biệt là các kiến thức về hội nhập kinh tế, thể chế, kinh tế thị trường… để hiểu vai trò và ảnh hưởng của DN đối với sự phát triển kinh tế của địa phương.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết