28/10/2020 - 07:11

Tấm lòng “Chúng tôi thời hậu chiến” 

Tác giả Vũ Công Chiến được biết đến qua những cuốn sách đậm sâu hoài niệm như “Hồi ức lính”, “Kim Liên một thuở”. Năm nay, ông tiếp tục mạch cảm xúc về người lính qua tác phẩm “Chúng tôi thời hậu chiến”. Những ngã rẽ sau chiến tranh của những người bộ đội Cụ Hồ đong đầy những cảm xúc và cả tự hào… Sách do NXB Lao Động xuất bản năm 2020. 

       

Sách dày gần 250 trang với 11 chương kể về cuộc đời của chính tác giả và đồng đội sau quân ngũ.

Hồi ức của tác giả bắt đầu bằng khung cảnh ngày chiến thắng 30-4-1975, những người lính trẻ hừng hực khí thế tiến về Sài Gòn và vỡ òa khi nghe tin địch đầu hàng. Họ bắt đầu nghĩ về tương lai, về những dự định cho ngày hòa bình trở thành hiện thực. Từ đây, Vũ Công Chiến bắt đầu hành trình mới với nhiệm vụ mới ở quân đội, rồi được cử đi học đại học. Ra trường ông đi làm, có người yêu, cưới vợ sinh con… Cuộc đời ông bình ổn đi qua, tuy có lúc khó khăn từng sắm túi đồ nghề rồi đạp xe khắp thành phố nhận sửa máy tính cho dân, đi dạy tin học văn phòng… nhưng vẫn êm đềm và hạnh phúc. Suốt bao năm, ông tìm gặp lại những đồng đội cũ và những cuộc gặp đó khiến ông vừa vui, vừa buồn với nhiều cảm xúc khó tả khi chứng kiến những thăng trầm, những bất hạnh không thể tránh của cuộc sống…

Với giọng văn chậm rãi, điềm đạm, đôi lúc đầy suy tư, triết lý, tác giả vẽ nên chân dung đồng đội thời hậu chiến một cách chi tiết, chân thực. Những người lính khi buông súng trở về đời thường không tránh khỏi khó khăn do môi trường khác biệt. Từ việc thấy mình lạc lõng với lớp sinh viên trẻ trung trong giảng đường đại học đến chuyện mưu sinh và nhiều nỗi niềm khác. Mỗi người một cảnh, một số phận. Có những người trở thành giáo sư, tiến sĩ, thành đạt và là tấm gương truyền cảm hứng cho các thế hệ sau. Nhưng họ cũng phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được thành công. Có người nhanh nhạy trước thời cuộc, biết nắm bắt cơ hội và tính toán hợp lý để học nghề hoặc làm ăn buôn bán và trở nên khá giả. Cũng có những số phận bất hạnh, éo le khiến người đọc thương cảm. Như Dũng “trắng” tan vỡ hôn nhân và vết thương trong đầu khiến thần kinh anh không bình thường; như Nguyễn Bình Hiệt bị nhiễm chất độc da cam sinh ra 3 đứa con tàn tật; hay cuộc sống nghèo khó của Trọng, Hà, Thái…

Mỗi một câu chuyện đều chất chứa những hồi ức, những nỗi niềm khác nhau. Trong đó, có những người vì thất lạc giấy tờ mà gặp khó trong việc công nhận thương binh hoặc hưởng các chế độ chính sách; số phận của những người là tù binh được trao trả cũng nhiều trắc trở… Tuy nhiên, dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn, cực khổ ra sao thì những người lính ấy vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Họ vẫn hào sảng, lạc quan khi nhớ về quá khứ và sống tốt, sống có ích cho hiện tại, tương lai. Điều đó, làm độc giả và những thế hệ sau càng thêm cảm phục, trân quý những người cựu chiến binh.

Tình đồng chí, đồng đội ấm áp trong chiến tranh và thời bình của những người lính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, giúp cân bằng mạch truyện và lan tỏa những giá trị tích cực. Trong đó, tác giả là cầu nối để gắn kết đồng đội cũ với nhau, giúp nhau vượt qua những khó khăn về kinh tế, động viên nhau về tinh thần. Đặc biệt, những câu chuyện về tìm mộ liệt sĩ cảm động và ly kỳ càng khiến tác phẩm thêm đậm tính nhân văn. 

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết