09/04/2024 - 08:24

Tái tạo nguồn lợi thủy sản, duy trì đa dạng sinh học, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân 

Để duy trì đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản, TP Cần Thơ đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Ngành chức năng thành phố đẩy mạnh hoạt động thả cá về tự nhiên và vận động, tuyên truyền nhằm huy động cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Thả cá về sông Hậu để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Yêu cầu cấp thiết

Nằm ở lưu vực sông Mekong có hệ thống kênh rạch chằng chịt, TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản. Trên thực tế, thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều hộ dân tại thành phố. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, môi trường và hoạt động khai thác quá mức của con người nên nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên có xu hướng ngày càng bị suy giảm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, Cần Thơ có hệ sinh thái phong phú và đa dạng các loài thủy sinh vật, trong đó khoảng 120 loài cá và 15 loài tôm. Thời gian qua, nhiều loại cá, thủy sản có giá trị kinh tế cao đã được khai thác, nuôi trồng (như cá tra, cá lóc, cá thác lác, cá hô, lươn, tôm càng xanh...), với tổng sản lượng hằng năm đạt trên 220.000 tấn. Tuy nhiên, trước các tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng các đập thủy điện ở thượng nguồn và hoạt động khai thác, đánh bắt quá mức của con người, cũng như sự biến đổi môi trường do phát triển sản xuất nông nghiệp, môi trường sống của nhiều loại thủy sản đã và đang bị ảnh hưởng xấu. Nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng hoặc biến mất trong tự nhiên như: cá hường vện, cá chạch lửa, chành dục, cá leo... Do vậy, việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang là yêu cầu cấp thiết. Luật Thủy sản được Quốc hội nước ta ban hành vào năm 2017 có các điều, khoản quy định khá cụ thể về việc tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi môi trường sống của loài thủy sản và bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những năm gần đây, thủy sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ, giúp tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Năm 2023, TP Cần Thơ có tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 9.145ha, với sản lượng đạt hơn 253.510 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 245.701 tấn (tăng 5% so với năm trước), sản lượng khai thác 7.809 tấn (tăng 8% so với năm trước).

Tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Những năm qua, với sự tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền và sự phối hợp, ủng hộ tự nguyện và nhiệt tình tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố, phong trào thả cá ra môi trường tự nhiên ngày càng lớn mạnh ở Cần Thơ. Ðặc biệt, vào dịp 1-4 hằng năm, kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ không chỉ phối hợp các địa phương tổ chức thả cá ra môi trường tự nhiên với số lượng khá lớn, mà còn đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tổ chức lễ phát động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Qua đó, nâng cao nhận thức và hành động của mọi người trong công tác tái tạo, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ðồng thời, kêu gọi và huy động tất cả các tổ chức, cá nhân và toàn thể cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, không sử dụng sử dụng điện, chất độc và các thiết bị bị cấm... để đánh bắt thủy sản.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, ngày 1-4 năm nay, Cần Thơ thực hiện thả khoảng 250.000 con cá giống  và thủy sản các loại tại các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Ðiền, Cờ Ðỏ và Vĩnh Thạnh. Các địa phương cũng tiến hành treo hơn 360 băng rôn tại các tuyến đường trung tâm và điểm thả cá từ ngày 27-3 đến 6-4-2024 để tuyên truyền về việc thả cá về tự nhiên và bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Dương Hoàng Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: "Số lượng lớn cá được thả về tự nhiên trong tháng 4-2024 và trước đó nhân sự kiện khánh thành Công trình Quảng trường Tây Ðô tại Khu dân cư Phú An ở quận Cái Răng, Chi nhánh Công ty CP Xây dựng Công trình Giao thông 586 tại TP Cần Thơ phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổ chức lễ phóng sinh, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản với hơn 50 tấn cá tra xuống sông Hậu (khoảng 1 triệu con cá tra). Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến những ngày đầu tháng 4, toàn thành phố đã thả ra môi trường tự nhiên 1,25 triệu con cá và thủy sản các loại, chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Theo kế hoạch, tới đây Cần Thơ tiếp tục tổ chức thêm các đợt thả cá và phối hợp các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp đẩy mạnh tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh Cần Thơ - An Giang - Ðồng Tháp".

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năm 2013 Sở NN&PTNT thành phố chỉ tổ chức thả cá tại 2 điểm với số lượng khoảng 500kg cá giống thì gần đây trên địa bàn 9 quận, huyện của thành phố đều có tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản và lượng cá thả mỗi năm đạt tới 10 tấn. Song song với thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, công tác bảo vệ môi trường sống cho các loài thủy sinh cũng được đặc biệt quan tâm. Ngành chức năng thành phố và các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sinh sống của các loài thủy sản, kể cả trong tự nhiên và trong nuôi trồng. Vận động người dân tuân thủ các quy định của pháp luật, không sử dụng xung điện, chất độc và chất nổ để đánh bắt thủy sản. Thực hiện đánh bắt cá theo thời vụ, kích cỡ... được cho phép. Thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm và nâng cao ý thức của cộng đồng trong tuân thủ các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết