* ĐĂNG HUỲNH
Bài cuối: Danh sư đờn tranh
Những năm 1940, đất Cần Thơ vang danh với ngón đờn tranh của nhạc sư Sáu Hóa. Tiếng đờn bay bổng thắm đượm tình người của nhạc sư đã chinh phục biết bao người mộ điệu. Ông được mệnh danh "thầy của những người thầy" bởi đã từng dìu dắt các danh cầm tài danh khác như Văn Vĩ, Năm Cơ, Hai Thơm
Ông đã dành trọn cuộc đời cho âm nhạc dân tộc qua việc trình diễn, truyền dạy và sưu tầm bài bản tài tử.
* Tiếng đờn chạm đến trái tim
Đến tận bây giờ, trong giới đờn ca tài tử và cải lương, nhắc đến nhạc sư Sáu Hóa, ai cũng tường tận. Phần vì lão nhạc sư đã dạy đến hàng ngàn học trò; phần vì ngón đờn tranh của ông hay đến nỗi khi ông dạo phím, không ai muốn rời chân. Rất tiếc, đến nay chưa có một công trình nào chính thức ghi lại tài danh của nhạc sư Sáu Hóa.

Ngôi mộ của nhạc sư Sáu Hóa ở Nhơn Nghĩa, Phong Điền. Ảnh: DUY KHÔI
Nhạc sư Sáu Hóa tên thật là Lư Văn Hóa, sinh năm 1901, tại Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Dù sinh trưởng trong một gia đình không có truyền thống văn nghệ nhưng từ nhỏ, cụ Sáu Hóa đã yêu thích đờn ca và tham gia Ban Đờn ca tài tử Ái Nghĩa tại quê nhà. Lớn lên, nhạc sư làm Biện (thư ký giúp việc) cho ông Cả Rô. Sau, vì cảm kích đạo đức và tài đờn ca mà bà Cả Rô đã gả con gái cho cụ. Sống trong gia đình khá giả, nhạc sư có điều kiện theo học nhiều thầy đờn giỏi.
Mới 30 tuổi, ngón đờn tài hoa của ông đã vang danh cả miệt Hậu Giang và được giới danh cầm Sài Gòn biết tiếng. Nhạc sư Sáu Hóa có thể đờn nhiều loại nhạc cụ song tiếng đờn tranh của ông là làm say lòng người hơn cả. Trong bài viết "Điểm qua một số nhạc sư, nhạc sĩ vang bóng một thời", nhạc sư Vĩnh Bảo đã ghi nhận: "Thập niên 1935-1942, nhiều nhạc sư, nhạc sĩ đàn tranh rất giỏi và hay như: Thầy Mười Tân, Sáu Hóa, Sáu Tý, Năm Tồn, Bảy Phải (Cần Thơ), Năm Nghĩa (Trà Ôn)
".
Nghệ nhân Hai Đức (tên thật là Trần Văn Đức) - người sáng chế ra cây đờn sến 3 dây "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam - là một trong những học trò của nhạc sư Sáu Hóa. Dù đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về người thầy với ngón đờn tuyệt kỹ khiến ông nhớ mãi không quên. Ông Hai Đức nhớ, hồi những năm 1960, Sài Gòn diễn ra một buổi "so kè" trình diễn nhạc cụ dân tộc giữa các danh cầm nổi tiếng miền Nam. Nhạc sư Sáu Hóa đã độc tấu 48 câu Xuân tình, tiếng đờn mà ai cũng gọi là "mê hoặc" - đưa người nghe vào thế giới nửa hư nửa thực. "Thầy đờn hay đến nỗi tất cả các danh cầm ngồi nghe đều ngả mũ và tôn thầy là "danh sư"" - ông Hai Đức nói. Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Pho (Tư Pho), cháu gọi nhạc sư Sáu Hóa là ông dượng và cũng là đệ tử của cụ, xác nhận: "Ông cụ đi thi về, ngực đeo lấp lánh huy chương. Vừa về tới ngã ba Mương Điều là ông gọi vang, chia vui với thân tộc".
Các học trò của nhạc sư Sáu Hóa mà chúng tôi gặp đều cho biết, đờn tranh 16 dây, dài gần cả thước nhưng ông thuộc làu đến nỗi đờn không cần nhìn, chỉ cần nhắm mắt để "lắng lòng". Ông Hai Đức còn kể rằng: Nhạc sư Sáu Hóa có "tuyệt kỹ" đờn bản Lưu - Bình - Kim (tức liên tấu Lưu Thủy đoản, Bình Bán vắn và Kim Tiền Huế) chỉ gảy mà không cần nhấn dây.
"Thầy của những người thầy"
Cả cuộc đời gắn bó với tiếng đờn tranh, nhạc sư Sáu Hóa còn trao truyền cho biết bao thế hệ học trò. Những học trò của cụ mà chúng tôi tiếp xúc như nghệ nhân Hai Đức, Kim Phụng, Tư Pho, Hoàng Tổng
đều xác nhận những danh cầm tiếng tăm ở Sài Gòn thập niên 1960, 1970 đều do cụ dẫn dắt như danh cầm Văn Vĩ, Năm Cơ, Út Trong
Ngoài ra, nhạc sư còn dạy ca, rèn giọng cho hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi như: Út Bạch Lan, Thành Được, Minh Cảnh

Thủ bút trong một trang giáo trình dạy đờn tranh của nhạc sư Sáu Hóa. Ảnh: DUY KHÔI
Khoảng những năm 1960, cụ là tay đờn chính của các đoàn cải lương Dạ Lý Hương, Kim Chưởng, Kim Chung (từ đoàn 1 đến đoàn 6), Thanh Cần, Thanh Minh - Thanh Nga
Cụ đờn ở đoàn nào cũng được các nghệ sĩ yêu quý. "Có nhạc sư Sáu Hóa thì ca khỏi lo, cụ nương tới bến!" - ông Tư Pho kể các nghệ sĩ hồi trước thường nói như vậy. Còn nghệ sĩ Kim Phụng (nguyên biên tập văn nghệ Đài Truyền hình Cần Thơ), học trò ca từng được nhạc sư nhận làm con nuôi thì kể rằng, có lúc nhạc sư dẫn bà theo vào Đoàn Dạ Lý Hương đờn cho nghệ sĩ tập tuồng, trong đoàn có đôi đào kép Thành Được và Út Bạch Lan. Nghệ sĩ nào ca trật nhịp, dứt chữ đờn chưa dứt khoát thì ông lấy song lang gõ "cắc
cắc
" rồi nói: "Trật, ca lại con!" rất thân tình. Ngay cả nhạc sư Út Trong, thầy của nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh Thanh Nga cũng nể phục tài - đức của nhạc sư Sáu Hóa. Mỗi lần ông từ Cần Thơ lên Sài Gòn đều ghé nhà nhạc sư Sáu Hóa để so dây đờn, trải lòng cùng ngũ cung.
Nghệ sĩ Kim Phụng nhớ lại, mỗi lớp cụ dạy có đến hàng chục môn sinh. Cụ dạy đờn đã chỉn chu mà dạy ca cũng không kém. Muốn ca là phải học bản đờn, chữ đờn theo kiểu xướng âm, sau đó mới đến phần lời. Nhờ vậy, học trò của cụ đều rất chắc nhịp. Hơn nửa thế kỷ nhưng học trò ai cũng nhớ dáng cụ ngồi đờn trên võng, mắt lim dim lắng nghe.
May mắn cho chúng tôi khi sưu tầm được gần chục cuốn giáo trình dạy đờn của nhạc sư Sáu Hóa. Có xem xấp tài liệu này mới cảm nhận đúng danh xưng "bậc thầy bài bản" mà giới tài tử đương thời dành tặng nhạc sư. Hàng trăm bài bản vắn, bài bản tổ được cụ ký âm rất kỹ lưỡng, chữ viết nắn nót, mười chữ đều như một. Trong mỗi chữ đờn: nếu dạy đờn tranh, cụ đều đánh số trên đầu mỗi chữ nghĩa là chú thích dây số mấy, gạch đỏ phía dưới là gõ song lang, viết chữ đỏ (thay vì chữ xanh như thường lệ) là xuống chữ đờn. Ông Hai Đức còn đặc biệt nhớ ký tự "g" của thầy mình viết, phần đuôi kéo dài, đá cao lên. Nhạc sư nói, viết vậy cho "có hậu". Trong xấp tài liệu ấy còn có nhiều tờ rơi quảng cáo tuồng của đoàn Thanh Cần do nhạc sư làm thầy đờn.
Khoảng năm 1970, nhạc sư Sáu Hóa còn lập gánh hát nhỏ với hai chiếc ghe lường chở phục trang, diễn viên. Gánh hát của cụ năm nào cũng lỗ vì chủ yếu hát phục vụ bà con và cho học trò "có đất dụng võ". Ngoài nhạc sư, bầu gánh, cụ làm luôn biện tuồng, dàn dựng vở diễn. Bởi vậy, vườn sầu riêng hàng chục công cho huê lợi cụ đều đầu tư vào gánh hát.
* Cây đờn tranh huyền thoại
Ai biết về nhạc sư Sáu Hóa cũng nhắc đến cây đờn tranh đẹp như một báu vật. Các học trò của cụ đều cho biết, đó là cây đờn đen huyền (ông Tư Pho cho biết bằng cây ngô đồng), được cẩn ốc xà cừ, tái hiện những truyện tích xưa cũ như: Bát Tiên, Ngư Tiều canh mục... Đặc biệt, các bộ phận chính của cây đờn đều được làm bằng ngà voi. Miếng mô bịt đầu cây đờn - nơi xỏ dây đờn là miếng ngà bằng bàn tay, trên có khắc hoa văn rất tinh xảo. 16 con nhạn (thuật ngữ dùng chỉ vật dụng để kê dây đờn) và 16 trục lên dây cũng đều bằng ngà.
Quanh cây đờn có một câu chuyện khá thú vị. Đó là khoảng trước 1945, nhạc sư Sáu Hóa lên Sài Gòn đờn giao lưu với các danh cầm. Dịp đó, Vua Bảo Đại du hành và có dịp thưởng thức. Nghe tiếng đờn tranh của nhạc sư Sáu Hóa, Vua Bảo Đại khen ngợi và tặng ông cây đờn trên. Câu chuyện này được thuật lại trong một tờ báo xưa do ông Hồ Phước - một học trò của nhạc sư ở Cần Thơ - cất giữ và để lên bàn thờ để tưởng nhớ do có hình của nhạc sư. Khi chúng tôi tìm đến, rất tiếc, ông Hồ Phước đã qua đời và gia quyến đã dời nhà đi nơi khác.
Cũng bởi cây đờn quý nên nhạc sư Sáu Hóa nâng niu, lau chùi rất kỹ lưỡng và luôn giữ bên mình. Ông Hai Đức kể: có một tên trộm lẻn lấy được cây đờn tranh đó và rao bán khắp nơi. Thế nhưng, ai nhìn qua cũng biết ngay là cây đờn của nhạc sư Sáu Hóa và lắc đầu: "Chết cũng không dám mua!". Vậy là sau mấy ngày nhạc sư tìm trong vô vọng đến mất ăn mất ngủ, cây đờn bỗng nằm bên hiên nhà. Khoảng trước khi nhạc sư qua đời (năm 1989) vài năm, cụ đã đứt ruột bán cây đờn cho một Việt kiều vì khó khăn. Ông Tư Pho cho biết: Dù cụ mất đã hơn 20 năm nhưng thỉnh thoảng vẫn có người tìm mua cây đờn, giá bao nhiêu cũng được.
* * *
Kết thúc bài viết này, điều làm chúng tôi ray rứt là không thể tìm được di ảnh của nhạc sư Sáu Hóa và không khỏi bùi ngùi bởi nhạc sư Sáu Hóa không có con, về chiều sống nhờ vào tình thương của lối xóm và các cháu. Chúng tôi nghĩ rằng, cần lắm một đề tài nghiên cứu về kho tàng bài bản sưu tầm và sự nghiệp âm nhạc của nhạc sư Sáu Hóa - đó cũng là cách để bảo tồn di sản dân tộc.