08/07/2012 - 09:20

Tái cơ cấu để DNNN cạnh tranh bình đẳng và là công cụ hữu hiệu điều tiết kinh tế vĩ mô

Tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung làm rõ như vấn đề thất thoát của các DNNN, hay sự bất bình đẳng với DN ngoài nhà nước… Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã làm rõ thêm vấn đề này trong cuộc trao đổi với báo chí.

* Vừa qua Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra những con số thất thoát của các Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty (TCT) Nhà nước. Theo thứ trưởng, vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào trong quá trình tái cơ cấu sắp tới?

-  Là cơ quan chuyên môn, Bộ Tài chính cho rằng việc xử lý các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước là một khâu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu, tái cấu trúc DNNN trọng tâm là các TĐ, TCT. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị, cùng nhau thống nhất đánh giá về tình trạng thất thoát lãng phí hiện nay, vì nếu không làm rõ bản chất sẽ dẫn đến hiểu nhầm.

Lấy ví dụ như Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tổng số kết luận sai phạm trên 18 ngàn tỉ đồng, bao gồm những nội dung liên quan đến các vấn đề cần xử lý về tài chính, bổ sung thủ tục hành chính và những việc chưa làm đúng quy trình, nội dung, trong đó chỉ có một phần thất thoát xử lý về mặt thuế. Trong số 18 ngàn tỉ thì có 15 ngàn tỉ là chi phí PVN thực hiện nhiệm vụ của nhà nước là đầu tư ở nước ngoài. Thiếu sót ở đây, theo quy định, khi sử dụng, nguồn vốn này phải nằm trong danh mục các công trình trọng điểm về dầu khí, nhưng TĐ chưa bổ sung, cập nhật vào nên không thể nói con số đó là thất thoát.

Hay như khoản hơn 600 tỉ đồng, TĐ đã ứng vốn cho một số địa phương khó khăn, điều này là sai sót về mặt thủ tục và thẩm quyền không phải là thất thoát ngân sách. Kiểm toán Nhà nước đã có phương án xử lý ví dụ như trừ vào tiền thuê đất hoặc giao đất, yêu cầu địa phương phải bố trí để hoàn ứng trả...

* Hiện đang có sự tồn tại bất bình đẳng trong hoạt động giữa DNNN và các DN ngoài nhà nước. Trong quá trình tái cơ cấu lần này sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

-  Quan điểm và mục tiêu của tái cơ cấu là phải thực hiện bình đẳng, minh bạch, công khai theo định hướng thị trường. Hiện nay, chúng ta phải xác định những điểm chưa bình đẳng giữa DNNN và DN ngoài nhà nước. Chúng tôi cho rằng, các vấn đề đặt ra là vừa phải bình đẳng, vừa yêu cầu DNNN thực hiện trong môi trường pháp luật, cạnh tranh. Hiện, vốn chủ sở hữu của nhà nước tại các TĐ, TCT là 653 ngàn tỉ đồng, toàn bộ lợi tức sau thuế sẽ để lại DN mỗi năm để tái đầu tư, cho thấy các DNNN khi sử dụng vốn Nhà nước sẽ không bị sức ép về chi phí vốn. Đồng thời hàng năm được bổ sung một nguồn tài chính không có lãi suất, trong khi đó, các DN ngoài nhà nước chịu sức ép rất lớn từ vốn đi vay. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và chưa tạo ra áp lực buộc DNNN vươn lên hiệu quả.

Bên cạnh đó, DNNN vẫn dựa vào trong cơ chế tài chính để không tính được hiệu quả thực, như vấn đề khấu hao. Nhiều DNNN khi gặp khó thì giãn khấu khao... Mức thu nhập của người lao động giữa DNNN và DN ngoài nhà nước, bao gồm tiền lương và thưởng phúc lợi . Nhưng đối với DNNN nhà nước, số tiền thưởng phúc lợi sau thuế thuộc về chủ sở hữu là NN, mà NN lại không yêu cầu DNNN hoạch toán đầy đủ mà cho trừ vào phần đáng phải nộp vào ngân sách NN một năm vài chục ngàn tỉ. Do đó, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ tính bình đẳng để có cơ chế chính sách phù hợp tạo ra môi trường kinh doanh buộc các DNNN cạnh tranh phải bình đẳng với các DN ngoài nhà nước.

* Thưa thứ trưởng, vai trò của các TĐ, TCT Nhà nước sau tái cấu trúc sẽ được đánh giá như thế nào?

- Vừa qua có ý kiến cho rằng giai đoạn tới TĐ, TCT Nhà nước sẽ không tiếp tục làm nhiệm vụ là công cụ của Nhà nước điều hành kinh tế vĩ mô. Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, ý kiến trên cần xem xét kỹ. Bởi vì bất cứ quốc gia nào cũng cần sử dụng các công cụ trong đó có công cụ doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn, tài chính để điều tiết kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, nguồn vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Cùng với quá trình tái cấu trúc, việc thực hiện cổ phần hóa cũng sẽ khiến nguồn vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp sẽ giảm dần, nhưng không có nghĩa sẽ giảm xuống nhanh và đột ngột. Trong giai đoạn 5 năm tới, vẫn còn nguồn vốn lớn trong xã hội mà Nhà nước lại bỏ vai trò sử dụng như công cụ điều tiết vĩ mô thì chúng tôi cho rằng không khoa học, không hợp lý.

Chúng tôi cũng khẳng định, với nguồn lực to lớn của Nhà nước trong DN như vậy, dù có giảm dần nguồn vốn thì cũng phải coi đó là công cụ của Nhà nước để điều tiết vĩ mô. Điều quan trọng là sẽ sử dụng ở phương pháp, phương thức, quan điểm, cách thức, hay nguyên tắc nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo được vai trò của Nhà nước thông qua công cụ phần vốn của mình tại Nhà nước để tác động đến kinh tế đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội trước mắt và lâu dài.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng.

THÙY DƯƠNG (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết