30/12/2019 - 22:05

TACE-hy vọng cho bệnh nhân ung thư gan 

Ung thư gan (UTG), một trong những loại ung thư thường gặp nhất nhưng phần lớn phát hiện ở giai đoạn muộn, không còn phù hợp với các phương pháp điều trị triệt để. Từ năm 2015, các bệnh viện (BV) ở TP Cần Thơ đã triển khai nút động mạch hóa chất TACE nhằm kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Kéo dài thời gian sống

Bác sĩ Bùi Phi Hùng thăm khám cho bệnh nhân bị UTG tái phát và di căn ổ bụng sau khi làm TACE.

UTG khi phát hiện ở giai đoạn muộn không còn phù hợp để thực hiện các phương pháp điều trị triệt để như phẫu thuật cắt gan, ghép gan, phá hủy khối u qua da. Nút động mạch hóa chất TACE từ lâu đã được xem là một phương pháp điều trị tạm thời cơ bản cho các bệnh nhân UTG không còn chỉ định phẫu thuật, với hiệu quả đã được chứng minh trong các thử nghiệm lâm sàng về khả năng kiểm soát sự phát triển của khối u cũng như kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân khi so sánh với điều trị hóa chất toàn thân hoặc chỉ điều trị triệu chứng.

Tại ĐBSCL, từ năm 2015, phương pháp này bắt đầu triển khai tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, BV Đại học Y Dược Cần Thơ, BV Hoàn Mỹ Cửu Long và chưa có nghiên cứu về phương pháp này tại khu vực. Xuất phát từ thực tế đó, Khoa Ngoại tổng quát, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện nghiên cứu “Điều trị UTG bằng nút động mạch hóa chất tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ”. Thời gian nghiên cứu từ 1-2018 đến tháng 4-2019. Trong thời gian này có 79 bệnh nhân UTG được điều trị bằng TACE. Khối u nằm ở gan phải và cả 2 thùy gan chiếm trên 92%. Bệnh nhân có kích thước u trên 5cm chiếm ¾ tổng số bệnh nhân.

Trong khi thực hiện TACE, có 8 trường hợp biến chứng, chiếm tỷ lệ 15% như phù vị trí vào động mạch đùi, chảy máu vị trí vào động mạch đùi, bóc tách động mạch. Các biến chứng đều được xử trí an toàn, không ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Sau TACE, 75% bệnh nhân có triệu chứng đau vùng gan, trên 68% bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, gần 66% bệnh nhân bị sốt. Các triệu chứng này chỉ kéo dài sau 3-5 ngày sau can thiệp và đáp ứng với điều trị nội khoa. Sau TACE 3 tháng, biến chứng thường gặp là rụng tóc chiếm trên 7,6%.

Sau khi điều trị bằng TACE, 52% bệnh nhân có đáp ứng với khối u, trên 77% kiểm soát bệnh. Đồng thời EOCG (EOCG-0 là mức đánh giá toàn trạng bệnh nhân tốt nhất: hoạt động bình thường, có khả năng thực hiện tất cả những công việc trước khi bị bệnh mà không bị hạn chế) từ mức 1 về mức 0 tăng lên (từ 58% lên 73%). Việc tăng chỉ số tổng trạng tốt hơn có ý nghĩa trong cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh nhân sống còn ở thời điểm 3 tháng là 98,7%; 6 tháng là 82,5%, 9 tháng là 77%. Sau can thiệp TACE thay đổi cân nặng theo chiều hướng tăng từ cân nặng trung bình 52,52kg trước can thiệp và sau can thiệp là 53,59kg. Kích thước khối u cùng giảm xuống, các xét nghiệm cải thiện theo chiều hướng tốt lên.

Trong nghiên cứu không gặp tử vong trong can thiệp và trong vòng 1 tháng sau can thiệp. Mặc dù bệnh nhân quá chỉ định phẫu thuật hay các phương pháp điều trị triệt để khác thì TACE là phương pháp điều trị an toàn trên người bệnh. Tuy nhiên, điều trị can thiệp bằng TACE là phương pháp điều trị không triệt để, khối u lại tiến triển và tái hoạt động sau một thời gian, bệnh nhân có thể phải can thiệp nhiều lần. Qua nghiên cứu, kết quả cho thấy: Đối với một bệnh nhân UTG đã quá chỉ định can thiệp điều trị triệt để thì TACE đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh.

Dự phòng, phát hiện sớm ung thư gan

TACE là phương pháp điều trị UTG qua đường động mạch với nguyên lý cơ bản là đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u. Sau đó tắc mạch nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u, làm cho khối u bị hoại tử và khống chế sự phát triển. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ luồn một ống dẫn (Catheter) qua động mạch đùi của bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA); ống dẫn này sẽ được luồn đến tận gan của bệnh nhân, vào các nhánh động mạch nuôi dưỡng khối u và tiêm vào đấy các hỗn hợp hóa chất chống ung thư, đồng thời làm tắc các mạch máu nuôi dưỡng khối u để tiêu diệt khối u. Phương pháp này có ưu điểm là chỉ cần gây tê, không có đường mổ; nồng độ thuốc hóa chất tập trung trong khối u cao hơn so với dùng đường toàn thân nhiều lần dù lượng hóa chất ít hơn; thời gian lưu giữ thuốc ở khối u kéo dài. Thêm vào đó, do lượng thuốc được lưu giữ ở gan nên giảm độc tính của hóa chất với toàn thân ngay cả khi dùng liều cao.

Theo ghi nhận ung thư (globocan 2018), tần suất mắc mới UTG đứng hàng thứ 6 và nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ 4. Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ mắc UTG cao nhất thế giới, với tần suất mắc mới là 15,4% và tỷ lệ tử vong trên 22%.

Ở nghiên cứu trên, bệnh nhân có viêm gan B chiếm gần 47%, viên gan C gần 28%, đồng nhiễm cả viêm gan B,C là 6,3%. Như vậy, có đến trên 81% bệnh nhân UTG bị viêm gan. Viêm gan virus là nguyên nhân hàng đầu liên quan trực tiếp đến UTG. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỉ lệ UTG ở người trẻ tuổi đã giảm xuống ở các quốc gia có chương trình tiêm chủng viêm gan B sớm.

Bệnh nhân có uống rượu, bia chiếm gần 28%. Các nghiên cứu của AASLD (Hiệp hội nghiên cứu về bệnh Gan- Mỹ) và APASL (Hiệp hội nghiên cứu về Gan Châu Á Thái Bình Dương) đều ghi nhận mối liên quan giữa uống rượu, bia và UTG. APASL ghi nhận người uống rượu thường xuyên 80g/ngày kéo dài 10 năm, gia tăng tỉ lệ UTG lên gấp 5 lần.

Từ kết quả nghiên cứu, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Phi Hùng, Khoa Ngoại tổng quát, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: Dự phòng UTG bằng cách tiêm ngừa viêm gan B; điều trị viêm gan B khi phát hiện; phát hiện sớm và điều trị viêm gan C; hạn chế sử dụng rượu, bia; tránh xa các thực phẩm lên men hoặc bị nấm mốc vì chúng có chứa độc tố Aflatoxin - một chất có khả năng dẫn tới bệnh UTG. Với những người có nguy cơ cao mắc UTG như thường xuyên sử dụng rượu, bia, có virus viêm gan B, C thì nên xét nghiệm chỉ số AFP, PIKA-II định kỳ, siêu âm gan kiểm tra. Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân UTG có chỉ số AFP tăng trên mức bình thường chiếm gần 76%. Khi nồng độ AFP tăng, các thầy thuốc kết hợp cùng các biện pháp cận lâm sàng khác để chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh UTG. Phát hiện sớm UTG sẽ làm thay đổi kết quả điều trị theo hướng tốt hơn.

Điều đáng mừng cho bệnh nhân là TACE được bảo hiểm y tế thanh toán (chi phí 1 lượt TACE khoảng 40 triệu đồng nếu không có bảo hiểm y tế). Tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân sống thêm 5 năm khi làm TACE chiếm khoảng trên 30%, thời gian sống thêm trung bình khoảng 26-30 tháng. Khi phát hiện sớm bệnh UTG, nếu phẫu thuật được, bệnh nhân sống thêm sau 5 năm trên 60%. Tuy nhiên, điều trị UTG là điều trị đa mô thức: Phẫu thuật, đốt sóng cao tần RFA, TACE và hóa trị toàn thân.

 Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết