24/12/2009 - 20:39

Suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính

Bác sĩ LA VĂN PHÚ
(Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ)

Bác sĩ La Văn Phú, BV Đa khoa TP Cần Thơ, khám cho bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới. Ảnh: Đ.LÝ

Suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính là bệnh rất thường gặp; trong đó, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao, chiếm khoảng 70% ca bệnh. Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có một thống kê đầy đủ về loại bệnh này. Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự thay đổi của nếp sống, làm việc. Suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính thường ít nguy hiểm nhưng sẽ gây cho người mắc bệnh cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, đã xác định bệnh liên quan đến một số yếu tố nguy cơ như: chế độ làm việc (đứng lâu, ngồi nhiều, môi trường làm việc ẩm thấp); béo phì, ăn ít chất xơ và vitamin; tuổi tác (nguy cơ mắc bệnh càng cao theo tuổi).

Suy tĩnh mạch mạn tính là thuật ngữ chỉ suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch. Máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dưỡng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng: nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... Nếu không được điều trị sớm, có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành (nhất là ở người già), chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạnh nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối...

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có biểu hiện: đau chân, nặng chân, mỏi chân khi đứng lâu ngồi nhiều, vọp bẻ, châm chích, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua. Một số bệnh nhân lại nghĩ đó là biểu hiện của những bệnh về xương khớp nên điều trị sai lệch.

Bệnh tiến triển sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường. Vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nặng sẽ gây loét da cẳng chân. Lúc đầu loét chân có thể tự lành, sau đó bệnh tiếp tục tiến triển, các vết loét không tự lành mà có nguy cơ nhiễm trùng, điều trị rất phức tạp. Ngoài các dấu hiệu trên, những tĩnh mạch nông dưới da ở cẳng chân và đùi giãn to ngoằn ngoèo. Giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân. Lâu ngày, các tĩnh mạch này giãn to, có khi giãn hơn 10mm.

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính không khó, nhưng đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và thường phải kết hợp với biện pháp phòng ngừa trong thời gian dài. Có một số phương pháp điều trị sau:

- Điều trị nội khoa: giai đoạn điều trị nội khoa với các thuốc trợ tĩnh mạch, tăng sức bền thành mạch, tăng trương lực tĩnh mạch như: Daflon, Ginkor Fort, Venosan, Rutin C... Khi dùng thuốc, cần phải phối hợp với phòng ngừa bằng cách: ăn nhiều chất xơ, vitamin, không đứng hay ngồi quá lâu.

Băng ép bằng băng thun hoặc mang vớ (tất) y khoa. Vớ y khoa có tác dụng tăng sức ép của cơ, ép vào thành tĩnh mạch giúp cho thành tĩnh mạch không bị giãn ra nhiều, giảm lượng máu bị ứ trệ ở chân, làm giảm tình trạng phù, đau chân và chuột rút. Mặc dù vớ y khoa đắt hơn băng thun nhưng vớ y khoa tốt hơn băng ép bằng thun vì dễ sử dụng và lực ép phân bố lên thành tĩnh mạch đều hơn. Lưu ý, vớ y khoa có nhiều kích cỡ, bệnh nhân nên chọn mua cỡ phù hợp với chân của mình và nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Có thể lúc đầu mang vớ, bệnh nhân hơi khó chịu nhưng sau vài ngày sẽ quen dần. Nên mang vớ y khoa vào ban ngày, lúc làm việc và đi lại nhiều. Buổi tối, lúc nghỉ ngơi, có thể bỏ vớ ra.

- Chích xơ: cách này được sử dụng để điều trị cho những trường hợp tĩnh mạch nông giãn mức độ nhẹ, ít hoặc dạng mạng lưới có thể điều trị bằng chích xơ. Người ta tiêm thuốc vào chỗ tĩnh mạch bị giãn để tạo phản ứng viêm; sau một thời gian, các tĩnh mạch này bị xơ hóa và teo lại, ngăn chặn tiến triển và biến chứng giãn ngày càng to.

- Phẫu thuật: có hai loại: phẫu thuật Stripping và phẫu thuật Muller. Phẫu thuật Stripping được thực hiện bằng cách luồn một loại dụng cụ đặc biệt rút bỏ tĩnh mạch qua hai vết mổ nhỏ ở mắt cá chân và nếp bẹn. Phẫu thuật Muller được thực hiện bằng cách rạch những vết mổ nhỏ khoảng 3mm ngay các tĩnh mạch nông bị giãn, qua đó dùng móc hoặc kẹp Kelly rút bỏ các tĩnh mạch này. Phẫu thuật này được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có tĩnh mạch nông giãn to ngoằn ngoèo ngoài da và suy tĩnh mạch chân mức độ nặng. Đây là phẫu thuật tương đối đơn giản, mang lại hiệu quả cao, ít biến chứng. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể đi lại bình thường, các vết bầm dọc theo tĩnh mạch sẽ tự mất sau 3-4 tuần. Tuy nhiên, cần hạn chế đi lại trong tuần lễ đầu sau mổ để vết mổ mau lành và hạn chế tụ máu dọc đường tĩnh mạch được rút bỏ.

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mang tính xã hội, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Vì vậy, sau khi điều trị khỏi, nên tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa tích cực để tránh tái phát. Cụ thể, nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30-60 phút. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân để máu lưu thông tốt. Ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin. Nên tập thể dục để giảm cân như: đi bộ với tốc độ nhanh, bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.

Chia sẻ bài viết