23/10/2014 - 21:18

Sương sâm

Dù mùa mưa, nhưng vẫn có nhiều ngày trời nóng bức. Trong những ngày cơ thể khó chịu với khí trời, không gì thích thú hơn cầm trên tay chén sương sâm xanh lục thẫm, múc từng muỗng cho vào miệng. Cả một sự mát lạnh, sảng khoái đến tê người như xóa tan cái nóng bức của tiết trời miền nhiệt đới. Lại càng thỏa mãn khứu giác với cái mùi dầu chuối dân dã thơm thơm.

Sương sâm còn được gọi là dây xanh leo, dây xanh ba nhị, xanh tam, có nguồn gốc bản địa tại Đông Nam Á. Trong ẩm thực Lào và Isan (đông bắc Thái Lan), lá sương sâm được dùng làm món keng noh mai som (tiếng Thái, có nghĩa là một món lẩu chua trong đó có măng, ớt...). Ở Campuchia, người ta dùng lá sương sâm nấu món canh samlo. Trong y học, người Campuchia chế biến lá sương sâm thành thuốc trị bệnh lỵ. Còn Thái Lan dùng lá sương sâm làm thuốc hạ sốt.

Một phụ nữ bán sương sâm ở đình Trại Ruộng Thới Sơn (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang).

Để làm thạch, theo cách gọi của miền Bắc, tức làm sương sâm, theo cách gọi Nam Bộ, lá sương sâm hái về, rửa sạch, để trong thau lớn cùng một số nước lạnh (nếu dùng nước mưa càng tốt). Sau đó dùng hai tay vò nhồi bóp mạnh. Khi thấy chất nhớt trong lá hơi đặc thì lược bỏ xác. Để yên nước lá nầy chừng 15 phút hoặc nửa giờ thì nó kết đông, giống sương sa hay sương sáo nhưng có màu xanh lục. Sương sâm múc từng muỗng hoặc cắt từng miếng hình bình hành, chữ nhật hay vuông, cho vào ly hay chén cùng với đường cát trắng (hoặc nước đường cát trắng nấu để nguội), dầu chuối và đá lạnh đập nhuyễn, trộn đều là thứ giải nhiệt tuyệt hảo. Ngày nay, để nhanh hơn, người ta xay, giã nát lá tươi sương sâm với một lượng nước lọc nguội tương thích, lọc lược sạch, để một thời gian thì nó đông đặc lại.

Ở miền Tây, lá sương sâm có hai loại: lá và dây có lông tơ mịn và lá láng, trơn mịn, không lông. Theo kinh nghiệm dân gian, sương sâm làm từ lá có lông ngon và mát hơn loại lá trơn mịn. Chính vì vậy mà hiện nay ở hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, vùng Bảy Núi An Giang, nghề trồng lá sương sâm (người địa phương gọi lá mối) "lên ngôi", được phong tặng là "dây xóa đói giảm nghèo". Ngoài bán lá, người ta còn gánh sương sâm bán rong hoặc đặt tại các đình chùa có đông khách thập phương đến viếng.

Bài, ảnh: CÚC TẦN

Chia sẻ bài viết