01/09/2020 - 07:45

Sức sống mới ở xã anh hùng 

Hòa cùng khí thế cả nước chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, chúng tôi về thăm các xã có bề dày truyền thống cách mạng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những vùng quê từng bị bom cày, đạn xới trong chiến tranh nay là những xã nông thôn mới với ruộng vườn trù phú, cây trái sum suê, nhà nhà no ấm...

Người dân xã Trường Thành trồng cây ăn trái cho thu nhập cao.

Người dân xã Trường Thành trồng cây ăn trái cho thu nhập cao. 

1. Theo anh Trần Long Hồ, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Trường Thành, sau ngày miền Nam giải phóng, Trường Thành bắt tay xây dựng lại quê hương từ hoang tàn, đổ nát; điện, đường, trường, trạm đều không có. Hầu hết các gia đình rơi vào cảnh nghèo đói. Qua hơn 45 năm, Trường Thành hôm nay phát triển về mọi mặt, được công nhận xã nông thôn mới từ năm 2017.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, chú trọng hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng giúp nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, sản xuất rau màu. Ðến nay, Trường Thành đã phát triển được 1.076ha lúa, 650ha vườn trồng nhãn, sầu riêng, mận, bưởi da xanh, vú sữa và 80ha rau màu, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Bí thư Ðảng ủy Trần Long Hồ hướng dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả. Anh Trần Phú Thành, ở ấp Trường Thạnh A, nói: "Ðược xã hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ thuật, tôi đã chuyển đổi 3,5 công ruộng sang trồng 175 gốc mận xanh đường. Hai năm nay, mỗi năm thu hơn 10 tấn trái, trừ chi phí, lời hơn 70 triệu đồng". Những hộ ít đất sản xuất như gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, ấp Trường Thạnh, cũng được hướng dẫn chọn mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Chị Thúy kể: "Tôi chỉ có hơn 1 công ruộng, trước đây làm lúa không đủ ăn. Ba năm nay, tôi chuyển ruộng sang trồng 2 vụ mướp/năm, thu lời hơn 70 triệu đồng". Theo anh Trần Long Hồ, trong xã có hàng chục hộ cải tạo vườn, chuyển ruộng lên vườn trồng cây ăn trái có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những ai trước đây từng đến Trường Thành đều ngỡ ngàng trước diện mạo của xã nông thôn mới Trường Thành hôm nay. Thay cho những tuyến đường nông thôn lầy lội, nhỏ hẹp là những tuyến đường tráng bê tông, trải nhựa bề mặt rộng 3-4m. Trường học, Trạm Y tế được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Dọc các tuyến đường chính, nhiều gia đình mở các dịch vụ buôn bán tạp hóa, cà phê, ăn uống, sửa chữa xe máy, mộc, hàn… Anh Trần Long Hồ cho biết: Toàn xã có hơn 200 cơ sở thương mại - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Mỗi năm, xã giảm thêm 1%-2% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm tăng thêm 5 triệu đồng. Xã đang phấn đấu cuối năm nay đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Chứng kiến sự phát triển, đổi mới không  ngừng trên quê hương Trường Thành, ông Ðỗ Văn Nguyền, nông dân sản xuất giỏi ở ấp Trường Thạnh, nói với giọng đầy tự hào: "Nhớ về những tháng năm gian khổ, ác liệt trong 2 cuộc kháng chiến đã qua, chúng tôi càng tự hào trước những đổi thay kỳ diệu của quê hương. Nhân dân Trường Thành nguyện phát huy truyền thống xã anh hùng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp".

2. Lần giở cuốn lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng xã Trường Long (1930-1975), ông Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Ðảng ủy xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, nói: "Trong hai cuộc kháng chiến đã qua, xã Trường Long nằm trong "vùng đất lửa", vành đai chiến lược bảo vệ trung tâm đầu não Vùng IV chiến thuật của địch. Nơi đây là căn cứ địa cách mạng, là nơi tập kết lực lượng cách mạng để tiến công giải phóng Cần Thơ, đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt với quân thù, trong đó trận chiến thắng Ông Hào năm 1965, trận đánh đồn Vàm Bi đã đi vào sử sách. Xã Trường Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1994".

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trường Long phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng lại quê hương. Giờ đây, Trường Long rợp màu xanh của lúa, của cây trái; đường làng, ngõ xóm thông thoáng sạch đẹp; có trường học cao tầng, nhà cửa khang trang, điện sáng bừng... Ông Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Ðảng ủy xã, cho biết: Ðảng bộ và chính quyền, nhân dân Trường Long đã quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, nỗ lực vượt khó, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng. Trong đó, chú trọng đưa vào sản xuất những giống lúa năng suất và chất lượng cao; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, chuyển ruộng lên vườn trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; khai thác ao mương nuôi thả cá... Ðến nay, xã có hơn 760ha lúa sản xuất lúa 3 vụ/năm; 1.930ha vườn trồng các loại cây ăn trái: sầu riêng, nhãn ido, chanh không hạt, mít...

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Ba, ở ấp Trường Khương, gặp lúc ông đang chăm tưới vườn vú sữa. Ông Ba hào hứng kể: "Trước kia, cuộc sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây lúa, cố gắng lắm mới đủ ăn. Từ khi gia đình lên bờ trồng vú sữa, khấm khá hơn. Hơn chục năm nay, bình quân mỗi năm gia đình thu huê lợi trên 300 triệu đồng từ 6 công vườn trồng vú sữa". Mô hình trồng chanh không hạt của chị Trần Thị Mảnh, ở ấp Trường Hòa, cũng đang phát huy hiệu quả. Chị Mảnh cho biết, với sự giúp đỡ của Hội LHPN xã và các ngành, gia đình chị cải tạo 2 công ruộng, lên liếp trồng 200 cây chanh không hạt. Mỗi cây chanh thu hoạch được khoảng 80kg trái/năm, mỗi ký bán từ 15.000-20.000 đồng. Nhờ đó, năm 2016, gia đình chị đã thoát nghèo. Các đồng chí lãnh đạo xã khẳng định, nhờ cần cù và năng động làm ăn, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,04%, xã không nhà tạm, nhà dột nát.

Ðến Trường Long hôm nay, có thể nhận thấy tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng từ diện mạo phố xá đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tại trung tâm xã và dọc hai bên các tuyến đường chính, các cơ sở, dịch vụ kinh doanh, mua bán mở ra san sát. Ðến nay, toàn xã có hơn 1.300 hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, có 7 doanh nghiệp, 3 cơ sở tiểu thủ công nghiệp và số hộ kinh doanh, doanh nghiệp đang tiếp tục tăng lên. Ðường đến các ấp đều trải nhựa, tráng bê tông sạch đẹp, nhiều nhà tường khang trang, hiện đại mọc lên san sát ở các ngõ xóm.

Thương mại - dịch vụ  xã Trường Long phát triển.

Thương mại - dịch vụ xã Trường Long phát triển. 

Kể về quá trình phát triển ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Ðảng ủy xã, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, nhân dân đã đóng góp 11,6 tỉ đồng, 8.300 ngày công lao động cùng Nhà nước nâng cấp, mở rộng, bê tông hóa 29,7km đường giao thông. Xã tranh thủ nguồn lực đầu tư của thành phố và huyện để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến đường chính trên địa bàn xã. Nhờ vậy, hầu hết đường chính và đường liên ấp được trải nhựa, tráng bê tông. 6/8 trường học và Trạm Y tế của xã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia; điện lưới quốc gia, nước sạch và hệ thống loa truyền thanh được kéo tận các khu dân cư… Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.

*
*   *

Nhìn lại quá trình phát triển, đổi mới trên quê hương mình, nhiều cán bộ, đảng viên, người dân hai xã Trường Thành và xã Trường Long bày tỏ lòng biết ơn đối với Ðảng, Bác Hồ, các thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương, hy sinh, gian khổ để đất nước độc lập, tự do, nhân dân no ấm. Tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, các thế hệ nối tiếp đã và đang ra sức giữ gìn, phát huy thành quả của ông cha, tích cực góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển nhanh, bền vững.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết