Bài, ảnh: MỸ THANH
Với đặc thù loại hình doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chiếm trên 98% tổng số DN, cộng đồng DN TP Cần Thơ đối mặt với nhiều khó khăn: năng lực cạnh tranh yếu, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ lạc hậu và gần đây nhất là phải chống chọi với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng từ DN và những chính sách mở đường từ chính quyền, đội ngũ DN, doanh nhân thành phố không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Ðội ngũ DN, doanh nhân không chỉ đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh cho thành phố trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Lãnh đạo thành phố tìm hiểu hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt.
Đồng hành phát triển
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, giai đoạn 2017-2021, TP Cần Thơ cấp mới đăng ký cho trên 6.000 DN các loại hình, với tổng vốn đăng lý gần 40.000 tỉ đồng; nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 12.000 DN, vốn bình quân 11 tỉ đồng/DN, chiếm khoảng 26% tổng số DN vùng ÐBSCL. "Sự phát triển không ngừng của đội ngũ DN một phần là do thành phố đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi sự DN. Mặt khác, DN lạc quan vào sản xuất kinh doanh và kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, đáng chú ý là các chính sách liên quan đến tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, công nghệ ngày càng tốt hơn" - ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Cần Thơ, nói.
Các tổ chức hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN. Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ, chia sẻ: "Ðiểm nhấn trong hoạt động hỗ trợ của DN của CBA năm 2022 phải kế đến là chương trình cà phê doanh nhân. Với sự hỗ trợ kinh phí ban đầu từ CBA, qua 3 kỳ tổ chức chương trình thu hút trung bình 50-60 DN, có khi lên đến 70-80 DN tham gia. Tôi cho đây là một kết quả đáng ghi nhận. Ðến với sự kiện, các DN có dịp giao lưu, kết nối giao thương giúp nhau ngày càng phát triển và lớn mạnh. Ðồng thời, nâng cao kiến thức, cập nhật định hướng, chính sách và pháp luật liên quan đến cộng đồng DN. Chương trình cũng là cầu nối giữa DN và chính quyền, giúp chính quyền có điều kiện gặp gỡ, nắm rõ nhu cầu nguyện vọng của DN để có hướng hỗ trợ kịp thời".
Là một trong những DN may mặc lâu đời, quá trình xây dựng và phát triển của Công ty CP May Tây Ðô gắn liền với sự phát triển của TP Cần Thơ, ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành công ty, bộc bạch: "May Tây Ðô tự hào là DN mang thương hiệu của thành phố. Qua 33 năm xây dựng và phát triển, ngoài sự nỗ lực nội tại, công ty còn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền thành phố, đặc biệt là trong đợt dịch vừa qua (xây dựng và phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, tổ chức sản xuất "3 tại chỗ"…). Nhờ sự đồng hành này, từ 2011 đến nay công ty liên tục tăng trưởng gần 10%/năm. Trong đó, quy mô doanh thu tăng 2,3 lần, lao động tăng thêm 200 người, năng suất lao động tăng 2,2 lần và thu nhập người lao động tăng 2,6 lần".
Tạo sức bật mới
Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW "Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ðến ngày 11-1-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Ðây là 2 quyết sách lớn hứa hẹn tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đội ngũ DN Cần Thơ nói riêng trong giai đoạn mới. Và các quyết sách này cần được nhanh chóng đi vào cuộc sống với lộ trình, kế hoạch cụ thể, sát hợp với tình hình thực tiễn.
Theo ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, thành phố cần tập trung phát triển kết cấu hạ đồng bộ, đảm bảo giao thông thông suốt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ của thành phố. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các tuyến giao thông trọng điểm theo kế hoạch trung và dài hạn; quy hoạch và phát triển nhanh các khu cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch vùng, quốc gia. Ðồng thời, tạo điều kiện để DN, nhà đầu tư thuận lợi trong tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính và cơ chế, chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của DN, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện kỹ năng, chuyên môn đáp ứng yêu cầu số hóa tại các DN.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Thành phố tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ðể làm được điều đó, chính quyền thành phố thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của doanh nhân; kiến tạo, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, thúc đẩy khởi nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Ðặc biệt, thành phố sẽ sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ tại Nghị quyết số 45/2022/QH15, nhất là các chính sách về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch… nhằm nhanh chóng chuyển các cơ chế, chính sách đặc thù thành những cơ hội cụ thể để thu hút, cải thiện môi trường đầu tư của thành phố.
Trong buổi làm việc với TP Cần Thơ mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: Ngoài việc phát triển về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng, thành phố cần chú trọng hình thành văn hóa DN, tạo nên nét đặc trưng riêng có của DN, doanh nhân Cần Thơ. Chính quyền thành phố nâng tầm hơn nữa việc kết nối với cộng đồng DN. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn; đưa doanh nhân cùng tham gia xây dựng, thảo luận về các chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ DN tiếp tục phát huy vai trò chỗ dựa, kết nối với chính quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN…