22/08/2010 - 08:31

PHIÊN HỌP THỨ 33 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự

* Góp ý vào dự thảo Luật Khiếu nại

Sáng 21-8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 33, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự.

Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan, đánh giá tác động, rà soát điều ước quốc tế và tham khảo pháp luật một số nước trong lĩnh vực pháp luật tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, bà Thu Ba cũng cho rằng giữa mục đích, mục tiêu được xác định ban đầu là sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS hiện hành với các quan điểm chỉ đạo là không phù hợp. Các quan điểm chỉ đạo trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao chỉ phù hợp với mục tiêu sửa đổi toàn diện BLTTDS. Trong khi đó, việc đề nghị sửa đổi, bổ sung 126 điều của BLTTDS, với nhiều nội dung mới thì phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật là gần như toàn diện BLTTDS. Để thể chế hóa được chủ trương này của Đảng, cần phải có thời gian thích hợp, việc nghiên cứu phải rộng và kỹ lưỡng hơn, việc sửa đổi BLTTDS phải toàn diện hơn. Thời điểm hiện nay, Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân chưa sửa đổi được nên cũng chưa thể sửa đổi toàn diện BLTTDS.

Trao đổi về việc nên hay không nên đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án, đa số đại biểu thống nhất với ý kiến của thường trực Ủy ban Tư pháp là chưa nên áp dụng và cần tiếp tục nghiên cứu để xem xét khi sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và khi tiến hành sửa đổi toàn diện BLTTDS.

Đối với những ý kiến khác nhau về sự tham gia tố tụng dân sự của Viện Kiểm sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và các ông Nguyễn Văn Thuận, Trần Thế Vượng, bà Thu Ba đều cho rằng cần đề cao trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong tham gia các hoạt động tố tụng. Lý giải vấn đề này, ông Trần Thế Vượng cho biết: Do quy định của BLTTDS về trách nhiệm tham gia phiên tòa của Viện Kiểm sát chưa hợp lý, chưa rõ vai trò đã gây khó cho cơ quan này trong việc thực hiện quyền kiểm soát việc tuân thủ pháp luật tại phiên tòa, phiên họp, quyền kiến nghị, kháng nghị và yêu cầu. Viện Kiểm sát không làm được việc kháng nghị vì không kiểm soát hồ sơ, không kiểm soát xét xử. Trong các vụ án dân sự về kinh tế, tòa án gần như khép kín nên dễ dẫn đến thiếu khách quan khi giải quyết vụ việc.

Cơ bản thống nhất với các ý kiến đề xuất, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Sẽ rút bớt các nội dung đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án và xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản, chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự bức xúc, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án và mở rộng vai trò của Viện Kiểm sát.

* Tiếp tục phiên họp thứ 33, chiều 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Khiếu nại tập trung vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, khiếu nại đông người, luật sư tham gia vào giải quyết khiếu nại, trình tự giải quyết khiếu nại... Đặc biệt, việc có hay không nên tách riêng Luật Khiếu nại tố cáo thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo để trình Quốc hội trong kỳ họp tới đã nhận được nhiều ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Khiếu nại nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân vì vậy cần phải coi đây là một nguyên tắc quan trọng và cần được nhấn mạnh trong quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật. Tuy nhiên, trong dự án luật Khiếu nại và dự án Luật Tố tụng hành chính sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đang có những vấn đề không thống nhất. Dự án Luật Tố tụng hành chính quy định cơ chế giải quyết gồm hai giai đoạn: Giải quyết khiếu nại lần đầu và giải quyết khiếu nại lần hai; còn dự án Luật Khiếu nại quy định cơ chế giải quyết khiếu nại một lần (lần đầu là xem xét lại, lần hai mới là giải quyết khiếu nại)... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận định những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật về cơ bản không khác so với cơ chế giải quyết khiếu nại của pháp luật hiện hành - một cơ chế đã tồn tại trên 30 năm với tính nhân văn là tạo cơ hội cho người bị khiếu nại sửa sai, nhưng trên thực tế đã không có hiệu quả... Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận khẳng định tuy chưa thẩm tra dự án Luật Tố cao nhưng qua tiếp cận, cả hai dự thảo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo không có nội dung gì khác so với Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành... và đề nghị chưa trình ra Quốc hội xem xét. Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng đề nghị cần sửa luật một cách căn cơ chứ đơn thuần tách ra thì chưa đủ điều kiện để xem xét. Khi tách hai luật cần làm rõ việc giải quyết đơn như thế nào, bởi trong đơn thường có cả khiếu nại và tố cáo, cần có tổng kết nghiêm túc về tình hình khiếu nại tố cáo...

CHU THANH VÂN-BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết