04/06/2019 - 08:56

Sự trở lại ấn tượng của Quentin Tarantino 

Sau 4 năm kể từ “The Hateful Eight”, “quái kiệt” Quentin Tarantino mới trở lại bằng “Once Upon a Time” - tác phẩm điện ảnh thứ 9 trong sự nghiệp. Mặc dù đến tháng 7 mới chính thức ra rạp, nhưng ở suất chiếu giới thiệu sớm tại Liên hoan phim quốc tế Cannes 2019, phim “Once Upon a Time” đã được đánh giá “đầy ánh sáng, hình ảnh và hành động”.

Quentin Tarantino (phải) cùng nam diễn viên Leonardo DiCaprio quảng bá cho phim “Once Upon a Time”.

Quentin Tarantino (phải) cùng nam diễn viên Leonardo DiCaprio quảng bá cho phim “Once Upon a Time”.

Trong làng điện ảnh thế giới, Quentin Tarantino là đạo diễn “chuyên trị” những phim có phong cách lạ và chưa từng có phim bị đánh giá thấp. Phim của ông được trau chuốt, tốn nhiều thời gian để làm nên những tác phẩm đậm chất nghệ thuật và được mong đợi. Quentin Tarantino từng tuyên bố rằng ông chỉ làm 10 tác phẩm điện ảnh là sẽ từ giã sự nghiệp, càng làm cho “Once Upon a Time” - tác phẩm thứ 9 của ông càng thêm “nóng”.

Không giống với những tác phẩm trước, “Once Upon a Time” gây hiếu kỳ bởi mọi thông tin đều được giữ kín. Mãi cho đến gần đây, mới được hé lộ phim xoay quanh về giáo phái “Manson Family”. Nhiều người dự đoán rằng “Once Upon a Time” sẽ xoáy vào vụ án giết người hàng loạt lúc bấy giờ, nhưng không, bối cảnh phim diễn ra trước vụ thảm sát 6 tháng. Tắm máu cũng không phải chủ đề chính của phim, mặc dù Quentin Tarantino nổi tiếng với việc khai thác bạo lực tàn khốc. Thay vào đó, “Once Upon a Time” là câu chuyện về hai người bạn: Rick Dalton  - diễn viên hành động thất bại, nghiện ngập và Cliff Boon- diễn viên đóng thế chuyên nghiệp, với bối cảnh năm 1969 ở Hollywood. Cả hai đều là những kẻ hết thời và họ buộc phải thay đổi để tồn tại.

Một câu chuyện có phần xưa cũ lại trở nên “hiếm” và trở thành “đặc sản” giữa mùa phim 2019 ngập tràn “bom tấn”. Vẫn phong cách kể chuyện phi tuyến tính của Quentin Tarantino, “Once Upon a Time” lần lượt đưa người xem đến không gian văn hóa đa chiều, đa quốc gia, tôn giáo, mà theo như Peter Brashaw - cây bút của Guardian, đó là “Câu chuyện không theo phương hướng, có phần vô trách nhiệm, nhưng lại là tác phẩm tuyệt vời, không thể rời mắt”.

“Once Upon a Time” được giới chuyên môn và các nhà phê bình, truyền thông đánh giá rất cao bởi nó vẫn giữ được “chất Quentin Tarantino”, vừa điên loạn vừa châm biếm sâu cay. “Once Upon a Time” thể hiện cái tôi rất riêng của ông, bóc trần xã hội hiện thực một cách mãnh liệt, với những nhân vật rất đời. Phim có đến 94% điểm tích cực trên Rotten Tomatoes, cũng là tác phẩm được đánh giá cao nhất của Quentin Tarantino trước giờ trên trang mạng khó tính này. Rất nhiều người đã ví “Once Upon a Time” như “Pulp Fiction” (1994) - tác phẩm xuất sắc khác của Quentin Tarantino từng thắng Oscar, Cành cọ vàng, Quả cầu vàng, BAFTA. Việc so sánh này xuất phát từ cả hai cùng nói về văn hóa đại chúng Mỹ, nếu “Pulp Fiction” được cho là sân khấu văn hóa đại chúng những năm thập niên 1990 thì “Once Upon a Time” là không gian văn hóa đại chúng đầy sống động của những năm 1960, theo Variety.

Quentin Tarantino gắn liền những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, cá tính. Phim của ông không dễ xem, nhưng khi nghiền ngẫm, hiểu thì nó lại trở thành chất gây nghiện. Những tác phẩm của Quentin Tarantino luôn đậm văn hóa với những câu thoại rất đời, đầy bạo lực nhưng luôn ẩn chứa những thông điệp nhân văn.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Variety, Guardian)

Chia sẻ bài viết