25/03/2020 - 09:33

Sự thay đổi của điện ảnh Malaysia và Singapore 

Điện ảnh Malaysia và Singapore đang có những thay đổi tích cực khi đạt được những thành công đáng ghi nhận từ phòng vé lẫn các giải thưởng điện ảnh trong khu vực.

“Wet Season”.

Cũng giống như nhiều nước châu Á khác, cả Malaysia và Singapore đều chịu sự chi phối của Hollywood dù họ cũng có những chính sách ưu tiên cho các phim nội địa, hạn chế hạn ngạch phim quốc tế. Cán cân doanh thu vẫn cho thấy phim địa phương thường “đuối” trên sân nhà khi so với các phim từ Hollywood. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, điện ảnh Malaysia, Singapore đã có sự thay đổi đáng kể.

Năm 2019, “Upin & Ipin: The Lone Gibbon Kris” của Malaysia bất ngờ đánh bại “Incredibles 2” của Disney, lập kỳ tích là phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở quốc gia này. Trước đó một năm, doanh thu phòng vé nội địa Malaysia cũng đã phá vỡ rào cản mang về 170 triệu Ringgit doanh thu, tăng gấp 3 so với năm 2017, cũng là kỷ lục trong lịch sử phòng vé của dòng phim nội địa.

Malaysia đã có sự thay đổi về cách làm phim. Thay vì chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, họ đã có xu hướng quốc tế hóa, khi các sản phẩm được làm ra hướng đến thị trường trọng điểm. Trung Quốc, Ấn Độ là hai nơi mà Malaysia đang đầu tư nghiên cứu thị hiếu khán giả. Hans Isaac, Chủ tịch Tập đoàn phát triển điện ảnh quốc gia Malaysia, cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch hỗ trợ cho các nhà làm phim sản xuất tác phẩm sử dụng hai ngôn ngữ. Trước tiên, họ làm phim bằng tiếng Malaysia, sau đó có thêm bản thứ hai bằng tiếng Quan Thoại hướng đến thị trường Trung Quốc; hoặc có thể tiếng Tamil ở thị trường Ấn Độ. Tôi khẳng định rằng không phải lồng tiếng mà nó buộc phải quay hai bản khác nhau”.

Còn Singapore có quỹ riêng hỗ trợ cho các nhà làm phim, mang tên Quỹ đồng sản xuất Đông Nam Á. Quỹ này ra mắt năm 2019, chia sẻ 185.000 USD tài trợ cho các dự án đồng sản xuất giữa các nhà làm phim Singapore và các nhà làm phim Đông Nam Á khác. Nhà làm phim Fran Borgia đã tận dụng điều này để phát triển dự án hợp tác giữa Singapore và Indonesia. Fran Borgia nói: “Các tác phẩm trước đây của tôi đều đồng sản xuất với các nước châu Âu. Rất khó đề tìm sự tài trợ hay đồng sản xuất tại khu vực Đông Nam Á”. Do đó, sự thay đổi là điều đáng mong đợi cho điện ảnh Singapore và của khu vực.

Hợp tác hay quốc tế hóa sẽ mang đến nhiều thay đổi cho điện ảnh khu vực, mà điển hình là thành công của “Wet Season” của đạo diễn người Singapore Anthony Chen, có sự tham gia của nữ diễn viên Malaysia Yeo Yann Yann. Phim đã rất thành công và nhận 6 đề cử Kim Mã 2019, trong đó có các giải Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất. Bản thân Yeo Yann Yann cũng đã chiến thắng Nữ diễn viên chính xuất sắc. Đạo diễn Anthony Chen bày tỏ: “Singapore nên học tập Hàn Quốc áp dụng hệ thống hạn ngạch hỗ trợ phim địa phương. Trong 5 năm qua, nhiều nhà làm phim Singapore đã được công nhận ở Cannes, Locarno và chính phủ nên tạo điều kiện hỗ trợ hững nhà làm phim xuất sắc. Đừng để thị trường chi phối, lệ thuộc quá nhiều vào Hollywood”.

Bảo Lam (Theo Southchina Moringpost, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết