31/07/2018 - 09:23

Sự phát triển của Bollywood trong thời kỳ mới 

Bollywood là một trong những ngành công nghiệp điện ảnh phát triển lâu đời trên thị trường quốc tế, đứng đầu về số lượng phim sản xuất mỗi năm (trung bình từ 1.000-1.500 phim) nhưng doanh thu không cao. Việc chất lượng và số lượng không tương xứng đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành công nghiệp này. Để thay đổi, các nhà làm phim gần đây khai thác nhiều vấn đề mới, táo bạo về bình đẳng giới, nhân quyền - điều mà trước đây Bollywood hiếm khi đề cập.

Phim “Padman”.

Nữ diễn viên Swara Bhaskar nói: “Đây là thời điểm tuyệt vời của Bollywood, với những thay đổi nhanh chóng và thú vị”. Swara Bhaskar cho rằng Bollywood đã mở ra những định hướng mới, nhất là dành cho phụ nữ. Trước đây, phim Bollywood có phần lớn các nhân vật nữ là người hầu, nô lệ, tỳ nữ. Nhưng hiện tại, những tác phẩm như “Veere Di Wedding”, “Lust Stories” lấy phụ nữ làm trung tâm, với những cô gái có cá tính, độc lập và biết theo đuổi ước mơ. Trong khi đó, ngôi sao võ thuật Bollywood Akshay Kumar cho rằng Bollywood nay đã khai thác những vấn đề nhạy cảm của xã hội, thay vì chỉ quẩn quanh đề tài gia đình, gia tộc như trước kia. Akshay Kumar tham gia dự án “Padman” xoay quanh một nhà hoạt động xã hội tiên phong sản xuất băng vệ sinh giá rẻ nhằm cải thiện sức khỏe cho phụ nữ nghèo. Akshay Kumar nói: “Tôi nhận được nhiều lời khen khi tham gia “Padman”. Nhiều người không tin tôi có thể tham gia phim về những điều như vậy. Nhưng đó là hiện thực xã hội và những làm phim như chúng tôi có trách nhiệm góp phần phản ánh để cuộc sống của phụ nữ được tốt đẹp hơn”. “Padman” thu về hơn 1,2 tỉ INR (đơn vị tiền tệ Ấn Độ), khi kinh phí sản xuất chỉ 200 triệu INR. Phim cũng được chào đón tại khu vực Bắc Mỹ và Canada, nhận được những đánh giá tích cực, trong đó IMDB đánh giá “Padman” đạt 8,2/10 điểm.

Nhà phê bình Anna MM Vetticad cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh Bollywood đang dần nhận ra thị trường rộng lớn chưa từng khai thác, đó là phụ nữ. Họ sẵn sàng bỏ tiền mua vé để xem tác phẩm liên quan đến đời sống của họ. Nhưng thực tế tại Bollywood, Ban kiểm duyệt phim quốc gia vẫn chưa thiện chí với các phim có những đề tài nữ quyền. Bằng chứng là “Lipstick Under My Burkha”, phim về cuộc sống của bốn người phụ nữ ban đầu đã bị cấm chiếu; hay “Padmaavat”, phim về Hoàng hậu huyền thoại của Vương quốc Mewar cũng bị hoãn chiếu. Alankrita Shrivastava, đạo diễn của “Lipstick Under My Burkha”, cho biết: “Phim của tôi mang đến cho khán giả góc nhìn của những phụ nữ không giàu có, nhưng vẫn bị xem là vi phạm quy tắc kiểm duyệt khi quá hướng đến giới nữ và nhạy cảm”. Alankrita Shrivastava đã đấu tranh khá vất vả mới đưa được “Lipstick Under My Burkha” ra rạp. Trong khi đó, “Padmaavat” sau nhiều lần trì hoãn, cũng ra rạp và trở  thành một trong 10 phim Bollywood có doanh thu cao nhất mọi thời đại, khi mang về khoảng 89 triệu USD.

Bollywood là ngành công nghiệp có khá nhiều rủi ro, nhất là tại môi trường còn bảo thủ về nhiều vấn đề, nhưng thực tế đã chứng minh khán giả không hề khó tính và sẵn sàng tiếp thu những cái mới.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Guardian, Variety)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Bollywood