15/01/2017 - 15:32

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, giải ngân nguồn vốn kế hoạch đạt khá, hoàn thành nhiều công trình trọng điểm quốc gia. Bộ GTVT đã triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông năm 2017 và trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Chuyển biến tích cực

 Thời gian qua, Trung ương luôn quan tâm đầu tư các công trình giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Công trình Cầu Vàm Cống đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017.

Năm 2016, Bộ GTVT tiến hành rà soát, tổ chức đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 để có giải pháp đề xuất, báo cáo Quốc hội, Chính phủ. Phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Cùng đó, kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT; tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam… Tăng cường quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; Bộ GTVT đã hoàn thành 57 công trình, dự án đưa vào khai thác và hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai thi công 18 công trình, dự án...

Bộ GTVT cũng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016; đến hết tháng 12-2016 giải ngân ước được 63.684 tỉ đồng (đạt 82,6% kế hoạch). Dự kiến đến hết tháng 1-2017 giải ngân được 69.044 tỉ đồng (đạt 90,4% kế hoạch). Trong đó, kết quả giải ngân từng nguồn vốn cụ thể đến hết tháng 12-2016 như: vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 20.242 tỉ đồng (đạt 88,6% kế hoạch), vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện 13.144 tỉ đồng (đạt 61% kế hoạch), vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước thực hiện 29.681 tỉ đồng (đạt 92,75% kế hoạch năm).

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành GTVT) mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT trong thời gian tới, nhất là các công trình giao thông trọng điểm. Ngành GTVT cần khẩn trương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không; tập trung vào quy hoạch mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và đến năm 2018 đưa vào khai thác. Khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc – Nam báo cáo Quốc hội thông qua, lập các dự án đầu tư để khi Quốc hội thông qua có điều kiện kêu gọi đầu tư; đẩy nhanh tiến độ lập dự án sân bay quốc tế Long Thành. Hoàn thành dự án tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam để báo cáo Quốc hội, để đến giai đoạn 2020-2030 có thể đầu tư được đường sắc tốc độ cao (đoạn Hà Nội – Vinh và TP Hồ Chí Minh – Nha Trang); xây dựng các tuyến đường sắt kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế. Phối hợp với các địa phương để đầu tư các cảng biển; có kế hoạch nâng cấp mở rộng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho đường bộ, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục được ngành GTVT cả nước chú trọng, tăng cường với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Bộ GTVT tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; các định mức kinh tế-kỹ thuật quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực… Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực bảo đảm kế hoạch đề ra; đường bộ đã hoàn thành tổ chức quản lý bảo dưỡng thường xuyên trên 22.000 km quốc lộ (trong đó có 741 đường cao tốc), 5.900 cầu, 8 hầm đường bộ, 8 phà cơ bản đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt… Đường sắt đã tiến hành bảo dưỡng thường xuyên trên 2.500 km đường chính, 500 km đường ga, 53 km dài cầu, 11 km hầm, 618 điểm gác đường ngang… Sử dụng ngân sách nhà nước nạo vét duy tu 14 tuyến luồng hàng hải; tiếp tục rà soát các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển… Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên 7.000 km đường thủy nội địa; công tác quản lý bảo trì được thực hiện qua hình thức đấu thầu rộng rãi, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước từ 3-5% giá trị… Ngoài ra, đã hoàn thành công tác bảo trì các công trình hàng không theo kế hoạch được phê duyệt.

Tập trung triển khai kế hoạch trung hạn

Mới đây, Bộ GTVT đã triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2017. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, cho biết: "Theo số thông báo dự kiến kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT được bố trí 133.411 tỉ đồng; trong đó nguồn nước ngoài 97.211 tỉ đồng, vốn trong nước 36.190 tỉ đồng và chỉ được phân bổ chi tiết 90% số vốn được thông báo là 120.070 tỉ đồng. Bộ đã xây dựng phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; nguồn vốn nước ngoài phân bổ theo đúng số dự kiến 87.499,4 tỉ đồng, nguồn vốn trong nước phân bổ 90% số được thông báo là 32.571 tỉ đồng". Với phương án trên, Bộ GTVT cũng kiến nghị được sử dụng toàn bộ số vốn dự phòng trong giai đoạn 2016-2020 cho các dự án chuyển tiếp, để thi công hoàn thiện, đảm bảo điều kiện an toàn giao thông, phát huy hiệu quả vốn đầu tư đã thực hiện. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ giao trước kế hoạch năm 2017 phần vốn nước ngoài và vốn đối ứng cho các dự án ODA, đối với kế hoạch cho các dự án trong nước sẽ được giao muộn hơn…

Theo Bộ GTVT, về giải pháp thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành. Đẩy nhanh đầu tư dứt điểm để đưa vào khai thác các dự án, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao. Triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân vốn kế hoạch năm 2017 ngay từ những ngày đầu năm… Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải bám sát các cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đẩy nhanh các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án khởi công mới. Đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục nghiệm thu, thanh toán để giải ngân kịp thời cho nhà thầu, tư vấn. Song song đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải theo dõi chặt chẽ chi phí dự án, xác định chính xác nhu cầu sử dụng vốn của dự án để xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết, đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch kịp thời, tránh lãng phí vốn đầu tư. 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết