14/06/2020 - 08:14

Sự chuyển dịch của điện ảnh 

Các rạp chiếu phim ở Mỹ và các nước đang dần được phép mở cửa trở lại, giúp ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood và toàn cầu thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, việc rạp chiếu được mở mà chưa có phim hay để chiếu, hoặc khán giả có trở lại rạp hay không, mới là vấn đề của ngành công nghiệp này. Thế nên, ngành nghệ thuật thứ bảy đang thay đổi để dần thích nghi với những thay đổi mà đại dịch COVID-19 đem đến.

“Tenet”.

►Khó trăm bề

Lệnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19 đã gây ra “lỗ hổng” lớn cho ngành điện ảnh Hollywood và toàn cầu. Dù chỉ diễn ra trong vài tuần nhưng nó gây tác động lớn, làm thay đổi hành vi, thói quen của khán giả. Đến rạp hay ngồi nhà xem phim, bây giờ trở thành vấn đề khiến nhiều người phải cân nhắc. Do đó, các hãng phim buộc phải thay đổi, điều chỉnh và tìm ra các giải pháp tiếp cận khán giả theo hình thức tối ưu nhất. Một số hãng phim đã chuyển đổi theo mô hình bán phim theo yêu cầu. Trong khi một số khác vẫn kiên trì chờ đại dịch đi qua, hoặc dời lịch phát hành cho đến ngày được ra rạp. Không ít đơn vị lựa chọn thử nghiệm mô hình mới, phân phối phim theo hình thức đa chiều, có thể phân phối theo kiểu truyền thống, hay chuyển đổi từ màn ảnh rộng sang màn ảnh tại nhà. Có thể nói, đây là một thời kỳ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành điện ảnh, khi các hãng phim phải lựa chọn cách thức để tồn tại.

Thực tế, dù các rạp đã được phép mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Việc kinh doanh vẫn phức tạp khi lệnh giãn cách xã hội chỉ được nới lỏng ở một số nơi, chứ chưa hoàn toàn được dỡ bỏ. Một số hoạt động được phép mở trở lại nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn về dịch tễ. Có nhiều yêu cầu đối với các rạp chiếu như: khử trùng giữa các suất chiếu, sắp xếp lại hệ thống chỗ ngồi cho phù hợp với quy định mới, kiểm tra lại quy trình xử lý các dịch vụ ăn uống đi kèm… Đặc biệt, vẫn còn quy định về hạn chế đi theo nhóm đông người. Vì vậy, không khả thi để các hãng đưa phim ra các rạp chiếu lớn. Thay vào đó, họ có lựa chọn các rạp nhỏ, độc lập, nhưng suất chiếu ở các rạp này rất hạn chế và vốn chỉ là sân chơi thuộc về dòng phim nghệ thuật. Con đường phát hành của các hãng rõ ràng bị thu hẹp.

Vấn đề là các hãng phim vẫn phải đưa tác phẩm ra rạp theo đúng chuẩn như đã cam kết với các nhà làm phim. Điển hình như trường hợp “Tenet” của đạo diễn Christopher Nolan, do Warner Bros. phát hành. Christopher Nolan là nhà làm phim yêu cầu cao, điều đó cũng dễ hiểu khi ông luôn đặt tiêu chuẩn người xem phải cảm nhận đúng cảm xúc về nghệ thuật điện ảnh tại rạp. Richard Gelfond, CEO của IMAX, nói: “Tôi không biết ở Mỹ còn có nhà làm phim nào có khả năng hơn Christopher Nolan trong việc thúc đẩy mạnh mẽ các rạp mở cửa lại và cho phép các phim được phát hành. Christopher Nolan rất muốn các phim được ra rạp đúng nghĩa”. “Tenet” có lẽ phim kinh phí lớn duy nhất cho đến nay vẫn giữ vững ngày phát hành (17-7-2020).

Tuy nhiên, để phát hành “Tenet” thành công trong giai đoạn hiện nay là điều không dễ dàng. Theo dự báo của các chuyên gia, Warner Bros. phải cần ít nhất 80% số rạp chiếu trên thế giới được mở cửa lại khi công chiếu, trong đó bao gồm các điểm nóng mà COVID-19 vẫn chưa hạ nhiệt (New York, Los Angeles, San Francisco) mới hy vọng hoàn vốn (“Tenet” có kinh phí đến 205 triệu USD). “Tenet” cần được chiếu ở 3.500/5.000 rạp ở Mỹ, nhưng đó là chuyện trước dịch COVID-19. Trên toàn cầu, “Tenet” cần phải ra mắt ít nhất là 30.000 rạp. Một điều rất khó trong tình trạng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và các rạp được phép hoạt động cũng chỉ 50% công suất. Như vậy không chỉ khó với các hãng phát hành mà các rạp cũng phải đau đầu sắp lịch, đưa ra quyết định phim nào được ra rạp.

►Thị trường chiếu phim theo yêu cầu lên ngôi

Thực tế chứng minh, rạp chiếu không phải là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay, nhất là với những đơn vị đang muốn hoàn vốn. Để giải quyết vấn đề này, nhiều hãng đã chấp nhận chiếu phim theo hình thức khác, đó là trực tuyến. Universal Pictures là hãng phim lớn đầu tiên quyết định chuyển sang thị trường trực tuyến. Universal Pictures đã đưa thẳng “The Invisible Man” lên chiếu trực tuyến, kế đó là “Troll World Tour”. Kết quả bất ngờ là “Troll World Tour” thắng lớn ở thị trường trực tuyến, so ra vẫn hơn “Trolls” (phiên bản gốc trước đó của “Troll World Tour”) ở thời điểm ra rạp vào năm 2016. Jeff Shell, Giám đốc điều hành NBC Universal, công ty mẹ của Universal Pictures, cho biết: “Kết quả “Troll World Tour” vượt qua mong đợi và nó cho thấy khả năng tồn tại của dịch vụ xem phim theo yêu cầu cao cấp. Khi rạp chiếu được phép mở lại, chúng tôi sẽ duy trì các phim theo hai hình thức”.

Sự thành công này rõ ràng đã chứng minh thị trường trực tuyến rất phát triển và việc chiếu phim theo yêu cầu có thể sẽ trở thành lựa chọn thứ hai, hay thứ ba để thay thế việc ra rạp. Theo sau Universal Pictures thì Disney, Sony Pictures cũng chọn trực tuyến như một giải pháp.

Nghiên cứu của Emst & Young và Hiệp hội các chủ sở hữu rạp chiếu Hoa Kỳ cho thấy phim chiếu rạp và phim phát trực tuyến có mối quan hệ cộng sinh tốt hơn. Nói đúng hơn, phim sau khi phát trực tuyến sẽ được xem nhiều hơn nếu có ra rạp. Trong hơn 2.000 lượt trả lời nghiên cứu, có đến 62% cho rằng họ sẽ xem phim đó qua trực tuyến nếu phim đã ra rạp. Như vậy sẽ có lợi cả hai bên, không có lý do gì mà các hãng phim phải bỏ qua. Đó chính là lý do vì sao mà nhiều hãng sản xuất đã đầu tư vào hạ tầng trực tuyến. Việc ra mắt dưới hai hình thức có thể cho thấy sự chuyển dịch mới của ngành công nghiệp điện ảnh.

BẢO LAM (Digitaltrends, Hollwoodreporter, Variety, Deadline)

Chia sẻ bài viết