03/09/2020 - 20:30

Phòng chống dịch COVID-19

Sớm xây dựng chiến lược xét nghiệm mới, phù hợp với tình hình phát triển đất nước 

(TTXVN)- Ngày 3-9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về tăng cường năng lực xét nghiệm, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nhân viên y tế của quận Cầu Giấy, Hà Nội tiến hành lấy mẫu dịch hầu họng để xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR của người dân từ Đà Nẵng trở về. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Nhận định diễn biến dịch COVID-19 trong nước, đại diện Bộ Y tế cho biết, nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng vẫn còn do: nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn; trường hợp nhập cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2; trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng… Thời gian tới, thời tiết có nhiều thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm về hô hấp phát triển mạnh; do đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần tiếp tục được duy trì và tăng cường.

Trước nhận định của Bộ Y tế, các chuyên gia thống nhất cần tăng cường năng lực xét nghiệm trong nước để sàng lọc nhanh, chính xác; qua đó phân loại, theo dõi sức khỏe từng nhóm đối tượng khác nhau.

Giáo sư Ðặng Ðức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, cần có chiến lược xét nghiệm mới, đáp ứng tình hình phát triển của đất nước. Theo đó, chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới nhằm sử dụng sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên tại những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… với thời gian nhanh, kết quả chính xác; tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam…; góp phần chống dịch hiệu quả. Về công nghệ test kháng nguyên, đơn vị đang tích cực phối hợp với Hoa Kỳ; nhận chuyển giao quy trình để sớm thử phương án này trên thực địa Việt Nam. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang liên hệ các đơn vị có máy đọc kết quả xét nghiệm từ phương án này.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng chi phí chống dịch COVID-19 của Việt Nam từ trước đến nay gần 400 triệu USD. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã triển khai hiệu quả chiến lược chống dịch nói chung, chiến lược xét nghiệm nói riêng. Tuy nhiên, trước tình hình “sống chung an toàn với dịch bệnh để thực hiện mục tiêu kép”, cần đổi mới chiến lược xét nghiệm, trong đó, đẩy mạnh phương án xét nghiệm kháng nguyên nhằm góp phần duy trì các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội… Ban Chỉ đạo giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, khẩn trương triển khai phương pháp kháng nguyên được sử dụng phổ biến, hiệu quả như phương pháp Realtime PCR trước đó.

Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: sẵn sàng về nhân lực; trang thiết bị vật tư, máy móc; phương pháp xét nghiệm… trong tình huống có 10.000 người mắc COVID-19, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chiến lược xét nghiệm, sớm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Về các phương án sản xuất vắc-xin chống COVID-19, các chuyên gia thống nhất, trên tinh thần tự lực, tự cường, các đơn vị trong nước tăng cường nghiên cứu, tăng tính chủ động trong việc sản xuất vắc-xin.

Diệp Trương

Chia sẻ bài viết