30/09/2023 - 13:06

Số hóa chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản 

Với sự ra đời hàng loạt các công nghệ đột phá từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TP Cần Thơ đã ứng dụng vào quá trình phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, kỳ vọng tạo ra tăng trưởng mới, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang chuỗi liên kết giá trị; từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chuyển từ chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu sang nền nông nghiệp hàng hóa lớn, chất lượng cao, bền vững.

Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trưng bày tại sự kiện kết nối cung cầu công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức.

Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trưng bày tại sự kiện kết nối cung cầu công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức.

Nhiều công nghệ mới

Như nhiều địa phương khác, nông nghiệp số, nông nghiệp 4.0 của thành phố cũng phát triển dựa trên nền tảng giống cây trồng, vật nuôi mới; vật liệu mới; các phần mềm, ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Quá trình này có sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp cung ứng công nghệ số. Ðơn cử, Công ty Thinksmart Cần Thơ chuyên cung cấp công nghệ mô phỏng EDEM được hỗ trợ bởi phương pháp phần tử rời rạc (DEM). Phần mềm EDEM được sử dụng trong thiết kế máy móc nông nghiệp dự đoán hành vi của vật liệu (xác định nguy cơ tắc nghẽn, hao mòn…); thử nghiệm nhiều loại vật liệu với các đặc tính khác nhau; hiểu được sự tương tác giữa máy và cây trồng, giữa máy và đất; thử nghiệm ảo các thiết kế mới mà không cần xây dựng mô hình thực nghiệm… Hay Công ty TNHH hSpace cung cấp giải pháp hệ sinh thái mạng nông nghiệp - hAgri tập hợp các giải pháp chuyển đổi số (CÐS)  trong nông nghiệp: sàn thương mại điện tử, số hóa nhà máy sản xuất và chế biến, mạng cộng đồng nông nghiệp, số hóa vùng nuôi/trồng, truy xuất nguồn gốc và truy nguyên.

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp số AgriConnect, chia sẻ: “Chúng tôi ứng dụng IoT trong trồng rau thủy canh. Công nghệ này giúp nhà rau hoạt động hoàn toàn tự động theo chế độ thời gian và cảm biến, tạo vùng tiểu khí hậu tối ưu cho rau phát triển tốt nhất. Chẳng hạn, đối với máy cắt nắng hoạt động tự động theo thời gian và điều kiện nhiệt độ đảm bảo lượng nắng tối ưu cho rau quang hợp và phát triển. Tất cả dữ liệu môi trường nhà rau (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng…) được lưu trữ trên đám mây giúp kiểm soát và hoàn thiện quy trình cho nhà rau, từ đó giúp tăng năng suất và chất lượng rau”.

Cùng với đó, các sở ngành cũng tích cực đưa công nghệ số vào chuỗi giá trị nông sản. Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Sở thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ”. Dự án đã xây dựng mô hình cấu trúc cơ sở dữ liệu dùng trong việc thu nhận, quản lý và chia sẻ thông tin truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa hoàn toàn tự động, đa dạng phù hợp với đặc điểm chủng loại sản phẩm khác nhau. Ðồng thời, xây dựng cổng thông tin và ứng dụng trên điện thoại thông minh sử dụng công nghệ CheckVN, tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc và theo tiêu chuẩn GS1, có khả năng kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý truy xuất. Thông qua dự án đã đăng ký truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của thành phố như dâu Hạ Châu - Hợp tác xã (HTX) Dâu hạ châu Phong Ðiền, nhãn thanh - HTX Nhãn thanh Hữu Tâm, sầu riêng - HTX Tân Thới 1, trà mãng cầu - Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, trà đông trùng hạ thảo - HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa…

Giải pháp đồng bộ

Mặc dù mang đến nhiều lợi ích, song việc ứng dụng CÐS trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn mới cho nên nhận thức của hầu hết doanh nghiệp, nông dân còn hạn chế. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, nông dân phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu số hóa.

Từ thực tế đó, bà Trương Thị Lan, Trưởng Phòng Chính sách xúc tiến Thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, đề xuất đẩy mạnh hoạt động CÐS, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa qua nền tảng số. Theo đó, các bên có liên quan vừa hỗ trợ địa phương khai thác kênh phân phối mới, có cơ hội tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng một cách nhanh chóng, hiệu quả, phát triển thương mại đa kênh; chủ động kết nối, xúc tiến tiêu thụ trong nước, đặc biệt nông sản có tính mùa vụ của địa phương song song với mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường quốc tế.

Theo ôngTrần Chí Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị logistics toàn cầu (GLI), để trở thành “bếp ăn của thế giới”, khu vực ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng cần có dự án thực hiện số hóa toàn bộ chuỗi cung ứng từ trang trại đến kho vận, bán hàng. Cùng với đó, đào tạo kỹ năng số là hết sức quan trọng. Một số nội dung đào tạo về chuỗi cung ứng số có thể hướng đến như chương trình huấn luyện nhận thức chung về chuỗi cung ứng số và ứng dụng, chuyên môn kỹ thuật Digital Marketing và ứng dụng, kỹ thuật quản lý canh tác bằng ứng dụng số, chuyên môn dịch vụ logistics cho thương mại điện tử cho ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử không chỉ đáp ứng xu thế tiêu dùng của người dân trong nước mà còn giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi đưa sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Theo bà Phạm Thị Trang Ðài, Quản lý tài khoản cấp cao, Amazon Global Selling, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. “Hiện các sàn thương mại điện tử lớn hầu hết đã thiết lập được hệ sinh thái bán hàng online hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp. Ðiều quan trọng là cần có quyết tâm mạnh mẽ từ doanh nghiệp trong việc thể hiện mong muốn không ngừng đổi mới, khẳng định thương hiệu ở cả thị trường trong nước và quốc tế” -  bà Phạm Thị Trang Ðài nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết