18/04/2009 - 20:31

SixthSense - Kết hợp thế giới số với thế giới thực

Máy tính xách tay và điện thoại thông minh cho phép dễ dàng tiếp cận sức mạnh điện toán, tuy nhiên những nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) muốn tiến xa hơn một bước bằng cách biến toàn bộ thế giới thực thành một máy tính. Tại Hội nghị tương tác người-máy năm nay ở Boston, nhóm Fluid Interfaces thuộc phòng thí nghiệm đa phương tiện của MIT đã giới thiệu mẫu hệ thống SixthSense mới nhất, một nền tảng điện toán có thể đeo trên người và điều khiển bằng cử chỉ, có thể liên tục cung cấp thông tin số cho thế giới thực.

Hệ thống có thể chiếu video lên bề mặt thực để hỗ trợ thông tin.  

Khi muốn kiểm tra email trên bất kỳ bức tường trống nào, người dùng chỉ việc vẽ một ký hiệu @ lên trên không. Người dùng có thể vẽ một vòng tròn lên cổ tay để xem giờ. Còn khi cần chụp ảnh, người dùng chỉ cần dùng ngón tay cái và ngón trỏ tạo thành dấu hiệu khung hình. Hơn thế nữa, hệ thống cũng có thể hiển thị lý do hoãn chuyến bay trực tiếp ngay trên tấm vé người dùng đang cầm. Theo Tiến sĩ Pattie Maes, dẫn đầu nhóm Fluid Interfaces, trong khi những thiết bị điện toán di động ngày nay có thể rất hiệu quả, thế nhưng chúng bị mù và điếc, buộc người dùng phải dừng công việc đang làm và cho chúng biết họ cần thông tin gì. SixthSense mở ra một triển vọng điện toán mới có thể hiểu, ít nhất ở một mức độ nào đó, người dùng đang ở đâu, làm gì và giao tiếp với ai, sau đó cung cấp thông tin cần thiết cho người dùng theo tình huống của họ.

SixthSense đã có một số cải tiến kể từ khi được giới thiệu lần đầu tiên trước công chúng hồi năm ngoái. Ban đầu, nó bao gồm một webcam được gắn vào nón bảo hiểm xe đạp. Mẫu thiết bị hiện tại đã gọn gàng hơn nhiều, bao gồm một camera và máy chiếu nhỏ cỡ hộp thuốc, được đeo quanh cổ người dùng. Một điện thoại thông minh đi kèm chạy phần mềm SixthSense và đảm nhiệm phần kết nối Internet. Camera sẽ đóng vai trò là con mắt số, nhìn những gì người dùng đang nhìn. Nó cũng ghi nhận cử động của ngón trỏ và ngón cái ở cả hai tay của người dùng. Phần mềm sẽ tìm kiếm trên Internet những thông tin có liên quan đến tình huống của người dùng, sau đó máy chiếu sẽ làm việc.

Pranav Mistry, một nghiên cứu sinh MIT tham gia dự án, cho biết bất kỳ bề mặt nào xung quanh người dùng cũng có thể bị biến thành giao diện tương tác. Chẳng hạn, khi người dùng vào nhà sách và cầm một quyển sách lên, ngay lập tức SixthSense sẽ nhận diện và truy cập vào trang web Amazon, để hiển thị thông tin đánh giá và giá cả của quyển sách ngay trên bìa của nó. Hệ thống cũng có thể được tùy chỉnh, để khi người dùng không thích đánh giá của Amazon, họ có thể chọn địa chỉ khác như New York Times.

Phần cứng của SixthSense không quá đắt. Mẫu hệ thống hiện tại có giá khoảng 350 USD, nhưng nỗ lực kết hợp thế giới số với thế giới thực đòi hỏi một số kỹ thuật lập trình phức tạp. Tiến sĩ Maes cho biết mọi công việc nằm ở phần mềm, hệ thống liên tục cố gắng nhận biết những gì xung quanh người dùng, và những gì người dùng đang nỗ lực làm. Nó phải nhận biết hình ảnh người dùng nhìn thấy, theo dõi cử chỉ của người dùng và sau đó liên kết tất cả với thông tin thích hợp ngay lập tức. Trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu, nhóm SixthSense chỉ mới phát triển một vài ứng dụng. Trong tương lai, họ sẽ xem xét mở cửa nền tảng SixthSense và cho phép mọi người phát triển ứng dụng cho nó.

Mistry đã nhận thấy một số ứng dụng thương mại cho hệ thống trong tương lai gần. Chẳng hạn, anh muốn phát triển một ứng dụng ngôn ngữ cử chỉ sẽ dịch ra bằng lời khi ai đó ra hiệu. Anh cũng nhận thấy tiềm năng của SixthSense trong lĩnh vực trò chơi. Không giống như Nintendo Wii, buộc người chơi phải ngồi trước TV, SixthSense có thể cho phép trẻ con đi ra ngoài và học chơi quần vợt trên sân thực.

LÊ PHI (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết