16/07/2008 - 20:21

Siêu thị "ghi điểm" với khách hàng

Ngày càng có nhiều người dân TP Cần Thơ quen với việc mua sắm tại các siêu thị. Tuy nhiên, trong tình hình giá cả biến động, nhiều người đã cân nhắc giữa tiện ích và giá cả khi quyết định chọn lựa mua sắm ở nơi đây. Do đó, các siêu thị bắt đầu cuộc cạnh tranh mới để “ghi điểm” với khách hàng.

* Kềm giá để “giữ chân” khách hàng

Theo nhiều người, nếu đặt chỉ tiêu giá cả lên hàng đầu để quyết định mua sắm thì siêu thị không có lợi thế so với chợ. Bởi giá bán niêm yết trong siêu thị so với mặt bằng chung ngoài thị trường luôn có sự chênh lệch rõ rệt. Giá bán tại siêu thị cao hơn giá thị trường còn do chi phí quản lý kinh doanh cao.

Thực phẩm công nghệ - mặt hàng đang chiếm ưu thế tại các siêu thị. Ảnh: NAM HƯƠNG 

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả một số mặt hàng liên tục biến động, siêu thị lại “ghi điểm” với người tiêu dùng do giá cả ổn định. Trên thực tế, khi giá xăng dầu tăng, gần như ngay lập tức tiểu thương tại các khu chợ tăng giá thực phẩm, hàng hóa với lý do chi phí vận chuyển tăng, nguồn hàng giảm... Khi lương cơ bản được điều chỉnh tăng, giá cả hàng hóa tại các khu chợ, chủ yếu là thực phẩm, cũng tăng theo. Trong khi đó, chất lượng, nguồn hàng và giá cả hàng hóa trong siêu thị được xem là ổn định hơn bên ngoài, kể cả vào cao điểm các ngày lễ, Tết. Đặc biệt là trong “cơn sốt ảo” giá gạo vừa qua, giá bán gạo tại siêu thị rẻ hơn so với nhiều nơi ở bên ngoài từ 3.000–4.000 đồng/kg...

Bà Vũ Diệu Huyền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, cho biết: “Với lợi thế được nhà sản xuất, nhà phân phối báo trước khi có sự thay đổi về giá ít nhất là 15 ngày nên siêu thị chủ động dự trữ được nguồn hàng để kềm giá ít nhất trong 15 ngày từ thời điểm giá tăng. Hệ thống Saigon Co.op đang có nhiều nỗ lực tham gia kềm giá, chống lạm phát nên giá hàng hóa tại Co.opMart Cần Thơ cũng được áp dụng đồng nhất trong hệ thống trên toàn quốc. Co.opMart cũng sẽ xem xét mức giá và từ chối các nhà cung cấp có giá tăng bất hợp lý; thậm chí, chấp nhận giảm lãi để kềm giá, chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng... Nhưng hiện nay, các biện pháp kềm giá chủ yếu áp dụng được trên các loại hàng tiêu dùng và thực phẩm công nghệ. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn phải theo diễn biến thị trường hàng ngày”.

Ngoài ra, khi mua hàng tại các siêu thị, khách hàng còn được tham gia các chương trình khuyến mãi, dịch vụ sau bán hàng và các chính sách ưu đãi cho thành viên như: mua một số mặt hàng với giá rẻ, tích lũy doanh số để nhận quà tặng... Với nhiều chính sách chăm sóc khách hàng hợp lý nên hầu hết các siêu thị ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng. Được biết, nhờ có thể bình ổn giá trong 15 ngày mà doanh số bán hàng thực phẩm công nghệ tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua (thời điểm giá cả bất ổn) tăng đến 75% so với cùng kỳ năm 2007.

* Điểm nhấn: hàng thực phẩm

Cô Ngọc ở đường Nguyễn An Ninh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: “Các loại thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống sử dụng trong gia đình hàng ngày tuy giá bán của siêu thị cao hơn bên ngoài chút ít nhưng có thể yên tâm về vấn đề an toàn thực phẩm và cân, đong đầy đủ...”. Nhiều khách hàng cũng bắt đầu quen với việc mua thực phẩm sơ chế sẵn của siêu thị. Chị Hương ở đường 3 Tháng 2 (quận Ninh Kiều), cho biết: “Tôi và ông xã thường rời cơ quan muộn, phải chia nhau đi đón con nên không có thời gian nhiều cho việc đi chợ, nấu ăn. Vì vậy, tôi thường vào siêu thị mua cá, thịt, rau, củ sơ chế sẵn về trữ trong tủ lạnh để dùng dần trong tuần. Sử dụng thực phẩm sơ chế ở các siêu thị vừa đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá phải chăng mà đỡ mất thời gian chế biến lại. Siêu thị cũng ngày càng đa dạng hóa sản phẩm để khách hàng dễ lựa chọn như: các loại cá muối sả, cá kho tộ, mắm, khô chưng, các món xào ướp sẵn, các loại rau, củ sơ chế sẵn để nấu canh...”.

Không chỉ có các loại thực phẩm tươi sống được khách hàng ưa chuộng mà các loại thực phẩm nấu chín tại siêu thị cũng đang đắt hàng. Quầy bán cơm hộp và thực phẩm nấu chín của Siêu thị Co.opMart Cần Thơ thời gian gần đây rất đông người chờ mua hàng. Khách hàng chủ yếu là giới công chức, nhân viên văn phòng. Anh Văn, nhân viên văn phòng ở quận Ninh Kiều, cho biết: “Buổi trưa, tụi tôi thường ở lại văn phòng nên cả phòng phân công 1 người đi mua cơm hộp tại siêu thị, thức ăn mua riêng nên khẩu phần ăn nhiều hơn nhưng giá rẻ hơn so với bên ngoài. Thức ăn ở đây hợp khẩu vị tụi tôi mà cũng yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Ông Chung Quốc Việt, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Vinatex Cần Thơ, cho biết: “Doanh số ngành hàng thực phẩm của siêu thị tăng bình quân 50% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi đang quan tâm đầu tư cho nguồn hàng thực phẩm, đảm bảo giá cả hợp lý để đáp ứng tốt nhu cầu của người nội trợ. Hiện tại, phần lớn các mặt hàng tươi sống bán tại Vinatex Cần Thơ được đưa về từ hệ thống Vinatex TP Hồ Chí Minh, số còn lại có nguồn hàng tại khu vực ĐBSCL. Đối với các nhà cung cấp rau, củ, Vinatex yêu cầu cam kết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Đối với thực phẩm sơ chế, Vinatex đã xin phép Trung tâm Y tế dự phòng được sơ chế thực phẩm, đăng ký kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên và bảo đảm thực phẩm tươi, không ướp hóa chất. Riêng các mặt hàng khô và tôm khô, chúng tôi cũng đang đầu tư tìm nguồn hàng do chất lượng nguồn hàng hiện tại chưa được như mong muốn. Đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh, chúng tôi có hàng chục nhà cung cấp với hàng trăm chủng loại mặt hàng. Chúng tôi đang tập trung đa dạng mặt hàng tươi sống và có chính sách giá cả hợp lý để kéo người nội trợ đến Vinatex”.

Xuyến Chi - Khánh Nam

Chia sẻ bài viết