30/03/2015 - 22:05

Siết chặt công tác quản lý thị trường

TP Cần Thơ là đầu mối giao thương của vùng ĐBSCL nên lưu lượng luân chuyển hàng hóa qua thị trường rất lớn. Do vậy, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm diễn biến phức tạp, và ngày càng tinh vi. Trước thực trạng trên, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ đã xây dựng nhiều phương án ứng phó, đặc biệt tại 2 thị trường trọng điểm là Ninh Kiều và Thốt Nốt.

Giữ ổn định thị trường

Quận Ninh Kiều được xác định là trọng điểm để ổn định thị trường hàng hóa tại TP Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL. Đội QLTT số 3, thuộc Chi cục QLTT TP Cần Thơ với 8 nhân sự quản lý địa bàn quận Ninh Kiều, gồm: 13 phường, trên 6.799 tổ chức kinh tế, doanh nghiệp. Hiện mỗi công chức của đội quản lý 2 phường với khoảng 3.236 cơ sở. Năm 2014, đội kiểm tra 314 vụ, trong đó 233 vụ vi phạm với số tiền phạt vi phạm trên 1 tỉ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2015, đội kiểm tra 67 cơ sở, tổng số tiền phạt trên 323 triệu đồng, góp phần tích cực đến công tác bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, đặc biệt trong những dịp mua sắm cao điểm lễ, Tết. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Đội Trưởng đội QLTT số 3, cho biết: "Đội luôn coi công tác đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, vừa cấp bách vừa lâu dài. Bên cạnh đó, đội đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở để nắm đầu mối thông tin, đồng thời thường xuyên trao đổi với các đơn vị có liên quan để nắm bắt kịp thời phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại nhằm kịp thời ngăn chặn".

Đội QLTT số 3 kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồng hồ trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: N.H

Quận Thốt Nốt là thị trường "nóng" của TP Cần Thơ, bởi đặc thù địa hình của quận giáp với 3 tỉnh có đường biên giới: An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang nên đây được coi là điểm chốt để ngăn chặn hàng buôn lậu từ nước ngoài xâm nhập vào thành phố và các tỉnh lân cận. Quận Thốt Nốt có 9 phường với 12 chợ đóng rải rác trên các phường và 1 trung tâm thương mại, có khoảng 1.700 hộ kinh doanh cá thể, 560 doanh nghiệp, 60 công ty TNHH và 20 chi nhánh. Mặt hàng chủ yếu của quận là xuất khẩu lúa gạo và cá da trơn. Từ đầu năm đến nay, Đội QLTT số 4, thuộc Chi cục QLTT TP Cần Thơ - phụ trách địa bàn quận Thốt Nốt đã kiểm tra 42 vụ; trong đó, có 20 vụ vi phạm, tổng số tiền nộp ngân sách khoảng 73,8 triệu đồng. Hàng hóa tịch thu gồm: thuốc lá điếu nhập lậu, kẹo các loại, dép, sữa Ensure nhập lậu, quần áo… tổng giá trị là 40,352 tỉ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vừa qua, trên địa bàn quận không xảy ra hiện tượng khan hàng, tăng giá, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, đội còn tập trung kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu trên tuyến đường thủy nội địa; phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác kiểm tra liên ngành, như: Đoàn liên ngành chống thất thu thuế thu về trên 900 triệu đồng của hơn 20 doanh nghiệp và hộ kinh doanh; đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm kiểm tra trên 48 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến, xử phạt 6 triệu đồng.

Khắc phục điểm yếu

Trên thực tế, trong công tác QLTT tại TP Cần Thơ, lực lượng chức năng mỏng, thiếu kinh phí trong khi địa bàn quản lý rộng lớn. Mặc dù Chi cục QLTT cùng các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp để nỗ lực trong QLTT, nhưng tình hình buôn lậu và gian lận thương mại vẫn diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vi phạm với phương thức thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn như các đối tượng này lợi dụng hóa đơn xoay vòng, lợi dụng chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng từ nước ngoài bằng cách dán nhãn mác hàng Việt Nam để lừa người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các công chức và nhân viên mới tuyển dụng vào ngành tuy được tập huấn, đào tạo tiền công vụ QLTT nhưng thời gian tập huấn ngắn, giáo trình không đầy đủ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên trong thực thi công vụ còn nhiều mặt hạn chế. Cùng đó, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu. Các chủ trương, chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, quy định chồng chéo… nên tạo ra nhiều khó khăn cho các cấp thực hiện.

Với địa bàn phức tạp và trọng điểm như quận Ninh Kiều và Thốt Nốt nhưng nhân sự của Đội QLTT số 3 có 8 nhân sự, Đội QLTT số 4 có 3 công chức, 4 nhân viên hợp đồng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực này còn phải tham gia vào các đoàn kiểm tra liên ngành cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kiểm soát thị trường. Ông Nguyễn Hữu Khải, Đội trưởng Đội QLTT số 4, Chi cục QLTT TP Cần Thơ, cho biết: "Nguồn nhân lực nhiều hạn chế, thời gian tới, đội đẩy mạnh công tác nắm tình hình cơ sở, xây dựng chặt các đầu mối thông tin nhằm đảm bảo nguồn tin báo có chất lượng, đáng tin cậy. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan ban, ngành để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết nhằm đưa ra phương án đối phó hiệu quả". Theo ông Đỗ Văn Dũng, Chi cục Trưởng Chi cục QLTT TP Cần Thơ để khắc phục những hạn chế, lãnh đạo Chi cục QLTT sẽ tiến hành tổ chức họp bàn để phân tích từng địa bàn với thủ đoạn và mặt hàng trọng điểm cần quản lý của từng địa bàn cụ thể. Từ đó có sự phân công và hỗ trợ công tác chuyên môn hợp lý và kịp thời và có phương án và biện pháp đối phó kịp thời. Để siết chặt công tác QLTT, các đội cần đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn và các đầu mối thông tin để công tác quản lý được nhanh chóng và chính xác.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng lưu ý Chi cục QLTT TP Cần Thơ: Trong điều kiện nguồn nhân lực còn mỏng, cán bộ QLTT cần nắm chắc tình hình trên địa bàn, trên cơ sở đó báo cáo cấp trên kịp thời hỗ trợ. Xây dựng kế hoạch kiểm tra theo từng chuyên đề (thuốc lá, đường, rượu, tân dược…) nhằm tập trung lực lượng thực hiện, nâng cao hiệu quả công việc. Cơ quan QLTT cần kiểm soát tốt các sản phẩm nhạy cảm, dễ bị làm giả như: rượu ngoại, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, thuốc chữa bệnh, đồng hồ… Cần phát huy nội lực để tập trung xử lý nhanh và dứt điểm những vấn đề bức xúc, nhạy cảm tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các đội cũng cần thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng và giữa các đội QLTT. Trong tháng 4-2014, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5, ngày nghỉ kéo dài sức mua hàng hóa sẽ tăng mạnh. Do vậy, Chi cục QLTT TP Cần Thơ cần xây dựng sớm kế hoạch quản lý để việc thực hiện và phối hợp được tốt hơn.

NAM HƯƠNG – TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết