20/01/2014 - 21:58

Thị trường xuất khẩu năm 2014

Sẽ lạc quan hơn ?

Năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước đang trên đà phục hồi nhưng còn diễn biến khó lường. Thị trường xuất khẩu cạnh tranh gay gắt, rào cản thương mại của các nước nhập khẩu có xu hướng gia tăng, trong khi giá xuất khẩu giảm là những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) TP Cần Thơ. Tuy nhiên, với những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ và thành phố, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của thành phố đã đạt 1,42 tỉ USD, tăng 18,4% so với năm 2012. Kết quả này được xem là tiền đề quan trọng để Cần Thơ tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014.

Vượt khó

Theo báo cáo của Sở Công thương TP Cần Thơ, năm 2013, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ngoại tệ của thành phố đạt 100% so kế hoạch năm với giá trị 1,5 tỉ USD, tăng 20,88% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 1,42 tỉ USD, tăng 18,4% với một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: xuất khẩu gạo vượt 4,65% kế hoạch năm và tăng gần 5% về giá trị so với năm 2012, may mặc tăng 4,4% về giá trị, da thuộc tăng 67,4%, sắt thép - đinh dây tăng gần 63%... Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố, cho biết: Với sự chỉ đạo kịp thời của thành phố, ngành công thương thành phố đã phối hợp với các sở, ngành hữu quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giúp DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nhiều DN đã chủ động nguồn nguyên liệu, cơ cấu lại tổ chức, tăng cường năng lực sản xuất phù hợp với tình hình mới. Sức cạnh tranh một số sản phẩm công nghiệp đã được cải thiện, nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Giá trị sản xuất công nghiệp trong năm qua tăng 12,94% so với năm 2012, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tăng 18,4%.

Năm 2013, giá trị gia công hàng dệt may xuất khẩu của Công ty Cổ phần May Tây Đô đạt 5,4 triệu USD với 4,5 triệu sản phẩm.

Gạo và thủy sản là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố. Năm qua, dù chịu tác động bởi biến động thị trường song 2 mặt hàng này vẫn đóng góp hơn 63% tổng kim ngạch xuất khẩu với mức đóng góp của gạo 464,8 triệu USD và thủy sản là 432,5 triệu USD. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: "Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt gần 50 triệu USD tương đương năm 2012. Trong đó, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của công ty là gạo thơm chất lượng cao tập trung vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản và các nước Trung Đông". Tình hình xuất khẩu gạo trong năm 2013 ít thuận lợi so với năm 2012 do gạo Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh về giá từ thị trường gạo cấp thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Trong khi thị trường gạo cấp cao phải cạnh tranh với Thái Lan khi nước này giảm giá để giải phóng hàng tồn kho. Tuy nhiên, thời điểm tháng 5 đến tháng 7, các DN của thành phố đã xuất khẩu gạo thơm với sản lượng và giá tương đối tốt. Vì vậy, dù sản lượng xuất khẩu giảm hơn 8,3% nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo lại tăng gần 5% so năm 2012. Đối với mặt hàng thủy sản, sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 95,88% kế hoạch năm với 163 ngàn tấn, giá trị đạt 432,5 triệu USD, đạt 76,98% kế hoạch năm và giảm 11% so với cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu thủy sản gặp khó do ảnh hưởng của các vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm và chống bán phá giá mặt hàng cá tra xuất khẩu tại thị trường Mỹ; rào cản kỹ thuật từ một số thị trường nhập khẩu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mê-xi-cô, dựng lên ngày càng nhiều hơn. Tuy vậy các DN xuất khẩu vẫn nỗ lực vượt qua các rào cản, giữ vững thị trường truyền thống.

Nỗ lực từ đầu năm

Theo dự đoán của các DN, ở một số ngành hàng, thị trường xuất khẩu trong năm 2014 có nhiều khả năng phát triển tốt hơn năm 2013. Đến thời điểm này, DN đã bắt đầu thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đầu năm và đàm phán hợp đồng cho các quý tiếp theo. Ông Ngô Văn Chơn, Trưởng phòng Chuẩn bị sản xuất Công ty Cổ phần May Tây Đô, cho biết: "Năm 2013, giá trị gia công hàng dệt may xuất khẩu của May Tây Đô đạt 5,4 triệu USD với 4,5 triệu sản phẩm, tăng 10% về giá trị và 25% về số lượng sản phẩm so với năm 2012. Từ kết quả khả quan này, năm 2014, May Tây Đô đặt ra mục tiêu gia công hàng xuất khẩu 6,6 triệu sản phẩm với doanh thu tăng 22% so năm 2013, tương đương 7 triệu USD. Hiện các đơn hàng xuất khẩu trong quý I-2014 đã đảm bảo đầy đủ. Khách hàng của công ty chủ yếu tập trung ở 2 thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu". Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, khẳng định: "Thị trường gạo cấp cao vẫn là định hướng mà công ty sẽ tiếp tục khai thác trong năm 2014. Với việc tham gia liên kết với các cánh đồng lớn ở TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận, Trung An đảm bảo có vùng nguyên liệu chất lượng, truy xuất tốt nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng, đặc biệt là Nhật Bản và các nước Trung Đông. Tập trung vào phân khúc thị trường gạo cấp cao, công ty đề ra mục tiêu xuất khẩu 150 ngàn tấn gạo trong năm 2014 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 70 triệu USD".

Dự báo thị trường xuất khẩu năm 2014 có nhiều dấu hiệu khả quan theo đà hồi phục của kinh tế thế giới và trong nước, TP Cần Thơ đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1,65 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1,55 tỉ USD, tăng 9,15%; dịch vụ thu ngoại tệ đạt 100 triệu USD, tăng 25%. Chỉ tiêu xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ yếu đều tăng so với năm 2013. Như xuất khẩu gạo phấn đấu đạt 1 triệu tấn, thủy sản 184 ngàn tấn, nông sản và nông sản thực phẩm chế biến kim ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD, may mặc 105 triệu USD, dược phẩm 9 triệu USD, da thuộc các loại 16 triệu USD, thủ công mỹ nghệ 5 triệu USD...

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết: "Năm 2014, kinh tế thế giới dự báo sẽ có sự phục hồi tích cực hơn, tuy nhiên còn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của thành phố. Vì vậy, ngành công thương thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu là sản phẩm thô, sơ chế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin Thương mại, Bộ Công thương để cập nhật, phổ biến kịp thời đến DN xuất khẩu các thông tin về thị trường, mặt hàng, nhất là những thị trường và mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, những thay đổi về chính sách, việc áp dụng các biện pháp bảo hộ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu dài, thành phố cũng cần ưu tiên thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thương mại, hệ thống kho bãi phục vụ xuất nhập khẩu".

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết