17/01/2022 - 08:24

Sẽ công khai tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trên phương tiện thông tin đại chúng 

Hoàng Yến (Tổng hợp)

Chính phủ ban hành Nghị định 118/2021/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC). Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, Nghị định có một số điểm đáng chú ý như: cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử phạt VPHC người chưa thành niên; hình thức, thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính...

Công an TP Cần Thơ kiểm tra hành chính trên tuyến đường Hùng Vương, phường Cái Khế, TP Cần Thơ. Ảnh: Hoàng Yến

Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với cá nhân, tổ chức VPHC

Các trường hợp vi phạm phải được công bố công khai theo quy định, gồm: VPHC về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt VPHC có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt VPHC đến trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra VPHC trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt VPHC thì cũng phải thực hiện công bố công khai theo quy định tại khoản này. Theo đó, nội dung thông tin công bố công khai gồm: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân, quốc tịch của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi VPHC; hình thức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện.

Người đứng đầu cơ quan báo hoặc người chịu trách nhiệm quản lý nội dung của trang thông tin điện tử có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần công khai trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đăng công khai thông tin đối với mỗi quyết định xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 1 lần, thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày; đăng tin đính chính trong thời hạn 1 ngày làm việc trên trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.

Xử phạt VPHC đối với người chưa thành niên

Khi tiến hành xử phạt VPHC đối với người chưa thành niên, trường hợp không xác định được chính xác tuổi để áp dụng hình thức xử phạt, thì người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt có lợi nhất cho người vi phạm. Trước khi quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở quy định và chỉ ra quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên khi không đủ các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở.

Biện pháp nhắc nhở là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên VPHC để người chưa thành niên nhận thức được những vi phạm của mình. Ðối tượng và điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt VPHC khi họ tự nguyện khai báo, thừa nhận và thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

Hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt

Cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây: nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt; chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

Thủ tục nộp tiền phạt: trong trường hợp quyết định xử phạt chỉ áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm, thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức nộp phạt chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiền phạt được nộp trực tiếp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước hoặc gián tiếp thông qua dịch bưu chính công ích, người tạm giữ các giấy tờ để bảo đảm cho việc xử phạt theo quy định phải gửi trả lại cá nhân, tổ chức bị xử phạt các giấy tờ đã tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm đối với trường hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch bưu chính công ích đối với trường hợp nộp gián tiếp. Chi phí gửi quyết định xử phạt và chi phí gửi trả lại giấy tờ do cá nhân, tổ chức bị xử phạt chi trả; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể trực tiếp nhận lại giấy tờ đã bị tạm giữ hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Chia sẻ bài viết