09/04/2025 - 21:21

Sau 1 năm triển khai, Đề án 1 triệu héc-ta lúa mang lại nhiều kết quả tích cực 

(CT) - Ngày 9-4, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (Ðề án 1 triệu héc-ta lúa). Ông Ðỗ Ðức Duy, Bộ trưởng Bộ NN&MT chủ trì hội nghị cùng với ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&MT; ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại hội nghị.

Qua hơn 1 năm triển khai, Ðề án đã khẳng định tính đúng đắn, cần thiết và bước đầu mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân đã dần thay đổi thói quen trong sản xuất lúa gạo theo hướng tăng giá trị, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Ðề án được các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển quan tâm, đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, tín dụng và phát triển thị trường. Các doanh nghiệp, HTX và nông dân chú trọng hơn đến liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang quy trình canh tác bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành và của các địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và bảo vệ môi trường.

Ðề án 1 triệu héc-ta lúa được triển khai thí điểm 7 mô hình điểm cấp trung ương tại 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Ðồng Tháp và Kiên Giang). Các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất 8,2%-24,2% nhờ giảm 30%-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30%-40% lượng nước tưới, từ đó cũng giảm phát thải khí nhà kính. Năng suất tăng 2,4%-7%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12%-50%...

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết: Từ vụ hè thu 2024 Cần Thơ đã được Bộ NN&MT chọn thực hiện mô hình thí điểm triển khai Ðề án với diện tích 50ha tại Vĩnh Thạnh và duy trì trong vụ thu đông 2024. Ðến vụ đông xuân 2024-2025, trên địa bàn thành phố đã triển khai 6 mô hình nhân rộng tại 3 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ và Thới Lai, tổng diện tích 170ha. Các mô hình đều giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính từ 2-12 tấn CO2/ha, lợi nhuận của nông dân tăng từ 1,3-6,5 triệu đồng/ha…

Ðánh giá về kết quả sau hơn 1 năm triển khai Ðề án, ông Ðỗ Ðức Duy, Bộ trưởng Bộ NN&MT nhấn mạnh: Ðề án đã chứng minh tính hiệu quả và khả thi, đặc biệt thay đổi nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong việc thay đổi quy trình canh tác truyền thống sang các quy trình canh tác bền vững, hiện đại, thân thiện với môi trường. Ðề án giúp giảm chi phí đầu vào và gia tăng chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hướng tới phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, hiệu quả, thân thiện môi trường. Ông Ðỗ Ðức Duy đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt đề án, dự án của địa phương mình kèm theo các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền và khả năng của địa phương để hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp, HTX sớm mở rộng diện tích tham gia Ðề án để đạt được mục tiêu như đã đăng ký với Bộ NN&MT và với Chính phủ. Các doanh nghiệp, HTX liên kết chặt chẽ với các địa phương và nông dân để hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp và nông dân để triển khai đề án….

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết