23/12/2020 - 10:15

Sao không “Liệu cơm gắp mắm”? 

Tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ VIII năm 2020, thể thao Cần Thơ chỉ đứng thứ 4 toàn đoàn, trong đó nhiều môn thể thao không đạt chỉ tiêu HCV 2 kỳ đại hội liên tiếp.   

Bóng chuyền bãi biển là một trong số ít môn thể thao của Cần Thơ được đánh giá tốt về công tác chuẩn bị và hoàn thành nhiệm vụ đoạt chỉ tiêu HCV tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ VIII năm 2020. 

Bóng chuyền bãi biển là một trong số ít môn thể thao của Cần Thơ được đánh giá tốt về công tác chuẩn bị và hoàn thành nhiệm vụ đoạt chỉ tiêu HCV tại Đại hội Thể thao ĐBSCL lần thứ VIII năm 2020. 

Trong những môn thể thao Cần Thơ được tham dự đại hội, Võ cổ truyền gây ngạc nhiên khi đặt chỉ tiêu đến 3 HCV, nhưng kết cuộc chỉ có 2 HCB và 3 HCÐ. Ðáng nói hơn, môn võ này đã giải tán lực lượng vài năm trước, trong khi các nội dung thi đấu đối kháng ở đại hội có nhiều võ sĩ đẳng cấp quốc gia của An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng. Môn Canoeing cũng không hoàn thành nhiệm vụ khi lực lượng chủ chốt chỉ có 2 tay chèo của đội tuyển, còn lại là năng khiếu. Môn Ðiền kinh có hơn 20 VÐV tham dự, chỉ tiêu 3 HCV, trong đó 2 HCV được giao cho các VÐV hợp đồng từ các đơn vị khác. Kết cuộc Ðiền kinh lại một lần nữa không hoàn thành nhiệm vụ khi các VÐV thu hút không có tấm HCV nào. Môn Bi sắt cũng thất bại khi chỉ có HCB, trong khi chỉ tiêu 2 HCV, đánh dấu kỳ đại hội thứ 2 liên tiếp Bi sắt không có HCV.

Cầu mây Cần Thơ từng có huy chương ở các giải quốc gia và có VÐV chủ lực Mỹ Linh đang khoác áo đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, Mỹ Linh không tham dự đại hội ÐBSCL năm nay. Theo chỉ tiêu, Cầu mây phải đoạt 2 HCV, nhưng với lực lượng đa phần là VÐV năng khiếu, nên khó cạnh tranh với Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Sóc Trăng vốn đông và mạnh. Taekwondo cũng không hoàn thành nhiệm vụ khi chỉ giành được 1 HCV trong khi mục tiêu đến 4 HCV. Cần Thơ có nhiều VÐV môn võ này đoạt giải quốc tế, nhưng lại thất thủ ở giải ÐBSCL ở những nội dung sở trường.

Tại 2 kỳ Ðại hội Thể thao toàn quốc năm 2014 và 2018, một số môn thể thao Cần Thơ không hoàn thành nhiệm cũng vì chủ quan, chưa đánh giá đúng thực lực, trông chờ vào những VÐV được thu hút. Những sai lầm này lặp lại ở Ðại hội Thể thao ÐBSCL năm nay.

Ðơn cử, lực lượng Ðiền kinh không mạnh, lại đăng ký đến 3 HCV, trong đó đến 2 HCV đặt vào các VÐV thu hút. Trước ngày thi đấu, xảy ra khúc mắc về chế độ tập luyện, nên không hoàn thành nhiệm vụ. Còn nhớ lại Ðại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, Ðiền kinh cũng trông cậy chỉ tiêu HCV vào VÐV Thu Cúc, đến giờ chót VÐV bị chấn thương và Ðiền kinh trắng tay. 

Thất bại của Canoeing cũng do lặp lại sai lầm tại Ðại hội Thể thao toàn quốc 2018. Năm đó, lực lượng chính của Canoeing cũng chỉ có 2 tay chèo, đáng lẽ phải tập trung vào các nội dung sở trường có cơ hội đoạt HCV cao, nhưng khi thi đấu bộ môn đã để các VÐV gồng thêm nhiều nội dung khác, nên chung cuộc không có HCV nào kể cả ở nội dung sở trường. Tại đại hội ÐBSCL lần này cũng vậy, đội hình Canoeing Cần Thơ mỏng, trong khi Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang có nhiều VÐV đạt thành tích quốc tế. Trước khi thi đấu, 1 trong 2 tay chèo chủ lực của Cần Thơ chấn thương, thế nên thật sự khó lý giải việc Canoeing Cần Thơ đăng ký đến 4 HCV.

Ðối với môn Bi sắt, từ sau lần trắng tay tại đại hội đồng bằng năm 2017 và Ðại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, đội chỉ còn 2 VÐV chủ lực, thi đấu nội dung nữ. Thời gian qua thành tích môn thể thao này phập phù, nhưng Cần Thơ lại đăng ký đến 2 HCV, dù biết sẽ đối đầu với các đội mạnh quốc gia như Trà Vinh, Ðồng Tháp...

Qua những kỳ đại hội thể thao đồng bằng và toàn quốc gần đây, không khó để thấy một phần nguyên nhân thất bại của một số môn thể thao Cần Thơ là do đặt chỉ tiêu HCV chủ quan, quá sức và không đánh giá đầy đủ về đối thủ. Chỉ không hiểu sao sai lầm này vẫn lặp đi lặp lại, để rồi ở một giải đấu mà Cần Thơ luôn nằm trong tốp 3 toàn đoàn như Ðại hội Thể thao ÐBSCL, nay lại xếp sau các đơn vị từng kém nhiều mặt.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Chia sẻ bài viết