28/07/2022 - 22:22

Sáng tạo vì cộng đồng 

Vòng thi khu vực miền Nam - Hội thi Tin học trẻ toàn quốc vừa diễn ra tại Trường Ðại học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), thu hút 394 thí sinh tham gia tranh tài. Bên cạnh 285 thí sinh thi lập trình, còn có 109 thí sinh tham gia phần thi sản phẩm sáng tạo. Nhiều sản phẩm thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, có tính thực tiễn cao, từ các phần mềm hỗ trợ học tập, hướng dẫn kỹ năng sống, đến các sáng kiến phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe và tự động hóa các quy trình sản xuất nông nghiệp…

Các thí sinh Đoàn TP Cần Thơ tham gia phần thi sản phẩm sáng tạo tại Vòng thi khu vực miền Nam - Hội thi Tin học trẻ toàn quốc.

Hội thi Tin học trẻ toàn quốc do Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức từ năm 1995 và giao Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ là thường trực Ban tổ chức. Ðây là sân chơi thường niên trong lĩnh vực công nghệ thông tin dành cho thanh thiếu nhi, thu hút hàng trăm ngàn học sinh tham dự. Năm 2022, Hội thi có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức thi, như: bổ sung bảng C2 (dành cho thí sinh khối THPT không chuyên). Từ vòng khu vực, thí sinh bảng C1 (khối THPT chuyên) đề thi sẽ có thêm bài toán về trí tuệ nhân tạo để xây dựng các hệ thống thông minh giải quyết vấn đề khó, thực tế; chính thức vận hành hệ thống riêng dành cho thí sinh bảng lập trình, tại đó thí sinh có thể luyện tập, trao đổi, nâng cao năng lực tin học.

Ở vòng thi khu vực miền Nam có đến 65 sản phẩm sáng tạo. Nhiều sản phẩm vừa có tính học thuật, vừa có tính thực tiễn cao, giải quyết vấn đề bức thiết của cuộc sống. Ðiển hình như phần mềm “Hướng dẫn kỹ năng sống” của 2 thí sinh Võ Duy Hoàng và Cao Minh Nhựt, học sinh Trường THCS Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Minh Nhựt chia sẻ: “Chúng em rất trăn trở khi biết có nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích hoặc bị xâm hại. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do các em còn hạn chế về kỹ năng sống. Vì vậy, em nảy ra ý tưởng thiết kế phần mềm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em và được thầy cô ủng hộ, tư vấn, hỗ trợ”. Nhóm thiết kế một trang web, trong đó có video, hình ảnh, thông tin hướng dẫn học sinh xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm, như: cách thoát nạn trong đám cháy, cách xử lý tình huống khi tham gia giao thông… Trẻ em có thể trực tiếp xử lý tình huống thông qua việc tương tác trên ứng dụng của phần mềm. Tính năng này giúp người sử dụng phần mềm vừa chơi vừa học, đồng thời tăng tính hấp dẫn, giúp trẻ tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

Hay như sản phẩm “SEGI” (Sercurity Girl) của nhóm học sinh Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, có tính năng bảo vệ nữ giới ngăn chặn xâm hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần. “SEGI” có trang bị nút cầu cứu khẩn cấp SOS, khi người sử dụng nhận biết được nguy hiểm đang cận kề thì ấn nút báo động, lập tức thiết bị sẽ hỗ trợ gọi điện và nhắn tin cho người thân (đã được cài đặt từ trước). Hệ thống định vị GPS của sản phẩm “SEGI” giúp người thân dễ dàng xác định vị trí của người sử dụng khi gặp những tình huống bất ngờ. Nguyễn Thị Trúc Mai, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị (1 trong 2 tác giả của sản phẩm), chia sẻ: “Sản phẩm này hỗ trợ thiết thực cho thanh thiếu niên tự vệ khi kẻ xấu xâm hại, đặc biệt là các bạn nữ”.

Nhiều sản phẩm sáng tạo, đóng góp các giải pháp thiết thực cho nông dân sản xuất, kinh doanh, như phần mềm “Hỗ trợ sản xuất và kinh doanh nông nghiệp” của thí sinh Ðỗ Phạm Quốc Nhựt, học sinh Trường THPT Trần Văn Thành, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Phần mềm có chức năng hỗ trợ quản lý canh tác, mua bán nông sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm chế biến, định hướng lựa chọn cây trồng vật nuôi và phổ biến tin tức về lĩnh vực nông nghiệp. Quốc Nhựt chia sẻ: “Phần mềm tạo sự liên kết giữa nhà nông và các doanh nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp, giúp nông dân chọn được sản phẩm hữu ích phục vụ nhu cầu sản xuất; đồng thời, tiếp cận thông tin về mùa vụ, kỹ thuật sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả canh tác”. Hay như sản phẩm “Thiết bị quan trắc, cảnh báo và xử lý nước cho các loại thủy sản nuôi trong bể” của nhóm thí sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, giúp nông dân theo dõi, đánh giá chất lượng nguồn nước, từ đó điều chỉnh phương pháp nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả...

Từ các sáng kiến, đề tài của thí sinh cho thấy, các sân chơi học thuật đã góp phần chắp cánh tài năng, khơi dậy sự sáng tạo của học sinh. Trân trọng hơn, những sản phẩm sáng tạo đều gắn với giải quyết nhu cầu của cuộc sống xã hội.

Tại Vòng thi khu vực miền Nam - Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2022, Đoàn TP Cần Thơ có 49 thí sinh tham gia ở các bảng: Bảng A - khối tiểu học, B - khối THCS, C1 - khối THPT chuyên, C2 - khối THPT không chuyên). Trong tổng số 394 thí sinh, Ban tổ chức chọn 8 thí sinh ở mỗi bảng A, B, C2; 8 đội thi bảng C1 và các bảng về sản phẩm sáng tạo. Các thí sinh xuất sắc sẽ tham gia vòng chung kết toàn quốc, dự kiến tổ chức vào tháng 8-2022, tại tỉnh Quảng Nam.

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết