05/11/2019 - 08:50

San sẻ yêu thương với người cao tuổi neo đơn 

Thực trạng già hóa dân số với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng, cùng với điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều người cao tuổi chưa được chăm lo để an vui tuổi xế chiều. Những hoạt động của các tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi chính là sự quan tâm quý giá, an ủi rất nhiều cho các cụ neo đơn tại cộng đồng.

Cụ Đào Thị Tết (90 tuổi) sống một mình trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp, dọc bên dòng kinh Ô Môn, ở khu vực 2, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Chồng của cụ Tết mất đã lâu, hai người con trai đã lớn, có gia đình riêng, mỗi người mỗi cảnh, đều khó khăn. Con trai lớn mắc bệnh nặng, mọi việc phải trông cậy vào vợ con. Còn con trai út của cụ bà vướng vòng cờ bạc, phải bỏ quê đến xứ người làm mướn, trốn nợ. Tuổi già, sức yếu, nhưng cụ lại không trông cậy được vào con, phải sống một mình thui thủi, trong khi mắc nhiều bệnh trong người, nay ốm, mai đau. Cụ Tết tâm sự: “Ở một mình riết rồi quen, chỉ khổ nhất những khi bệnh, ban đêm ban hôm không kêu réo đứa nhỏ nào được. Ở nhà buồn nên nhỏ Thúy ghé chơi, nói chuyện, khám bệnh, cho thuốc, tui mừng lắm. Tui coi nó như cháu ruột của tui vậy”.

Cán bộ dân số - tình nguyện viên của Tổ tình nguyện viên phường Châu Văn Liêm chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng thăm hỏi sức khỏe cụ bà neo đơn. 

Người cụ Tết nhắc tới chính là chị Đào Thị Phương Thúy, cán bộ dân số phường Châu Văn Liêm, đồng thời là thành viên Tổ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại địa phương. Chị Thúy cho biết, từ khi mô hình được thành lập vào năm 2018, với vai trò tình nguyện viên, chị thường lui tới thăm hỏi, kịp thời giúp đỡ các cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh neo đơn trên địa bàn. Sự giúp đỡ đôi khi đơn giản chỉ là dành thời gian ngồi trò chuyện cùng các cụ. Bên cạnh đó, thăm khám ban đầu, đo huyết áp, điều trị các bệnh lý thông thường trong khả năng của cán bộ trạm y tế, còn nếu các cụ có vấn đề gì nghiêm trọng hơn thì liên hệ với con cháu đưa cụ đến Bệnh viện quận để được tiếp tục điều trị.

Theo chị Phương Thúy, bước đầu Tổ tình nguyện viên tập trung vào các cụ già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn và dần tiến tới mục tiêu của mô hình là nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Theo đó, mỗi tình nguyện viên đến nhà của những người cao tuổi được giao phụ trách, hướng dẫn các cụ và người thân cách chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho người già. Song song đó, lồng ghép với hoạt động của Trạm y tế phường, tổ chức các buổi nói chuyện về chủ đề chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh tật thường gặp ở người cao tuổi cho các cụ.

Thuận lợi của mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng là trong số các tình nguyện viên có cả các cán bộ y tế ở trạm y tế phường và tổ y tế các ấp, mạng lưới cộng tác viên các hội, đoàn thể, khu vực. Chẳng hạn, Tổ tình nguyện viên phối hợp Câu lạc bộ dưỡng sinh của phường, phát động phong trào người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, thông qua các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay trong cuộc sống tuổi xế chiều.

Ông Phan Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ô Môn, cho biết, từ năm 2018, Ô Môn triển khai hoạt động mô hình Chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng ở 3 phường Thới An, Thới Hòa và Châu Văn Liêm. Cuối tháng 8-2019, triển khai thêm mô hình ở phường Long Hưng. Các hoạt động của mô hình tập trung quan tâm cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho gần 1.000 cụ từ 60 tuổi trở lên trên địa bàn phường; nâng cao ý thức của chính người cao tuổi cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với ông bà cha mẹ tuổi cao, sức yếu.

Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Do đó, các mô hình quan tâm đến người cao tuổi rất thiết thực, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi, giúp họ sống vui, sống khỏe cả thể chất và tinh thần. Người cao tuổi là một phần quan trọng của xã hội, bởi những đóng góp cho xã hội và truyền dạy kinh nghiệm sống quý báu cho con cháu, chứ không phải là gánh nặng cho xã hội. Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm đối với người cao tuổi, thời gian qua, ngành dân số địa phương chú trọng việc nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ tình nguyện viên và cộng tác viên dân số.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết