24/04/2015 - 15:31

Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch Cần Thơ chưa có bản sắc

Sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương hiệu quả. Thế nhưng, nhiều năm qua, thị trường quà tặng, lưu niệm của du lịch Cần Thơ đang bị bỏ ngõ, chưa có bản sắc.

* Thiếu tính đặc trưng

Sau một vòng tham quan sông nước, chợ nổi và vườn cây ăn trái, nhiều du khách luôn đặt câu hỏi: "Mua gì về làm quà?". Ngoài đặc sản bánh trái, du khách muốn mang một ít quà đặc trưng của vùng đất Tây Đô về chia sẻ với bạn bè, người thân, đồng nghiệp…Thế nhưng, điều đó không dễ dàng.

Dọc các tuyến đường nội ô của thành phố Cần Thơ, nhất là đường Hai Bà Trưng, 30/4, Mậu Thân, Nguyễn Trãi –có nhiều cửa hàng bán quà tặng, nhưng khi du khách tìm mua quà lưu niệm du lịch đặc trưng, thường chỉ nhận được cái lắc đầu. Duy nhất Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ là địa điểm tập trung nhiều quầy bán hàng lưu niệm gắn với du lịch. Thế nhưng, dạo một vòng chợ cổ, du khách càng thêm thất vọng vì quầy hàng nào cũng bày bán những sản phẩm na ná như: bưu ảnh, áo thun, móc khóa, tranh các loại… Phần lớn các mặt hàng lưu niệm này đều nhập từ những địa phương khác. Thậm chí tại đây, du khách có thể tìm thấy vài quầy bán sản phẩm của Huế, Hội An, Tây Nguyên… Nếu muốn mua những món hàng mang dáng dấp của Cần Thơ như: tranh gạo của Trần Đăng Nghiêm, các sản phẩm từ bẹ dừa của Công ty TNHH Thông tin Lữ hành Mekong, sản phẩm từ lục bình của Hợp tác xã Kim Hưng hay mô hình tàu xuồng, vỏ lãi của cơ sở Thiên Mộc, du khách phải đặt hàng trước. Thực tế này phản ánh thực trạng vừa thiếu vừa thừa của thị trường quà tặng lưu niệm du lịch đặc trưng Cần Thơ.

Những  sản phẩm lưu niệm đặc trưng du lịch Cần Thơ hiếm hoi được bày bán tại cửa hàng Mỹ Dung .

 

Có thể nói, sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch Cần Thơ còn đơn điệu, nhỏ lẻ và thiếu tính đặc trưng. Quanh đi quẩn lại chỉ có tranh và móc khóa được khắc hoặc in hình ảnh Bến Ninh Kiều, cầu Cần Thơ, chợ cổ Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng. Anh Hoàng Minh, du khách Hà Nội, cho biết: "Đến các địa phương, tôi thường tìm sản phẩm mang nét văn hóa bản địa với tiêu chí gọn nhẹ và giá cả phải chăng. Đáng tiếc, ở Cần Thơ tôi vẫn chưa thấy được sản phẩm độc đáo".

Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng mang lại nhiều lợi ích cho việc phát triển du lịch ở địa phương. Nhưng nhiều công ty, cơ sở sản xuất quà tặng, lưu niệm trên địa bàn Cần Thơ không mặn mà đầu tư vì đầu ra nhỏ giọt. Thêm vào đó, du lịch làng nghề ở Cần Thơ chưa phát triển, người dân tại các làng nghề chưa chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng tạo dựng thương hiệu, lợi thế cạnh tranh bền vững, chưa có thói quen tạo sản phẩm lưu niệm để bán cho khách du lịch. Một số sản phẩm có kiểu dáng, kích cỡ cồng kềnh, khó vận chuyển hoặc giá thành cao… không hấp dẫn du khách….

* Tìm hướng ra

Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) Cần Thơ từng tổ chức cuộc thi "Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng TP Cần Thơ" và chọn ra được 11 sản phẩm tiêu biểu. Dẫu vậy, qua thời gian không nhiều người biết đến các sản phẩm này, bởi lẽ các cơ sở không có sự kết nối với đơn vị lữ hành, điểm du lịch, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch như nhà hàng, khách sạn. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung – Chủ cửa hàng lưu niệm Mỹ Dung từng đoạt 4 giải (giải Ba và 3 giải Khuyến khích) ở cuộc thi trên - cho biết: "Chúng tôi thường quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ. Hiện cơ sở chỉ kết nối với Cantho Tourist thực hiện chương trình shop thân thiện, giảm giá 10% cho khách hàng. Thực ra, chúng tôi rất mong chờ ngành du lịch tổ chức thêm các cuộc thi tương tự để có động lực sáng tạo, tạo thêm nhiều sản phẩm đặc trưng". Trên địa bàn Cần Thơ, hiện chỉ có vài điểm như: khách sạn Victoria, Hậu Giang, Khu du lịch Mỹ Khánh…có quầy trưng bày sản phẩm lưu niệm nhưng số lượng không nhiều. Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và Khu vực Tây Nam Bộ, đề xuất: "Sở VH, TT & DL cần khuyến khích các khách sạn nên có quầy lưu niệm, không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, mà còn giúp cơ sở sản xuất tiếp cận được thị hiếu du khách".

Một gian hàng sản phẩm lưu niệm ở Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, nhưng sản phẩm đa vùng miền.

Vấn đề tìm sản phẩm lưu niệm và quà tặng đặc trưng cho du lịch Cần Thơ đã được bàn thảo ở nhiều cuộc họp, tọa đàm và hội thảo. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng để sản phẩm của các làng nghề trở thành sản phẩm lưu niệm, quà tặng, cần có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý.

Trước hết, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghề, duy trì và truyền dạy nghề. Bên cạnh đó, cần quy hoạch, hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất và có sự hướng dẫn, tư vấn về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách du lịch. Thời gian qua, Sở VH, TT & DL đã khảo sát nhiều làng nghề trên địa bàn để đánh giá thực trạng và tìm giải pháp bảo tồn phát triển làng nghề. Ông Lê Minh Sơn – Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL - cho biết: "Năm qua, chúng tôi đã xây dựng được các sản phẩm quà lưu niệm như: nón, áo thun, mô hình cầu Cần Thơ, đĩa in hình chợ cổ và cầu Cần Thơ. Hiện ngành cũng đang nghiên cứu xây dựng thêm vài sản phẩm mới".

Định hướng phát triển du lịch Cần Thơ trong thời gian tới là tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đường sông kết hợp với tham quan làng nghề và di tích văn hóa lịch sử. Hy vọng ngành du lịch thành phố sẽ có sự can thiệp kịp thời để các làng nghề được gìn giữ bảo tồn, dần hình thành nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, nhất là các sản phẩm quà lưu niệm để tạo được bản sắc.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết