07/01/2012 - 20:58

GIẢI BÓNG RỔ THƯỜNG NIÊN LẦN V DIỄN ĐÀN BÓNG RỔ VIỆT NAM

Sân chơi bổ ích cho giới trẻ

Một pha tranh chấp quyết liệt của các vận động viên bóng rổ không chuyên.

So với môn thể thao vua - bóng đá, thì bóng rổ chưa có nhiều sân chơi đích thực theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chỉ tại Cần Thơ, số sân bóng rổ hiện nay đếm trên đầu ngón tay, các giải thi đấu chính thức cấp quốc gia cũng không nhiều.
Một nhóm các bạn trẻ đã tự đứng ra tổ chức một giải đấu nghiệp dư nhưng được vận hành khá chuyên nghiệp và gây được ấn tượng với những người mê bóng rổ.

Sau hơn 10 ngày tranh tài sôi nổi, hôm qua 7-1-2012, giải bóng rổ thường niên lần V Diễn đàn bóng rổ Việt Nam vòng chung kết khu vực Mekong 2011 (hay còn gọi là Cúp Rồng vàng) tại sân của Trường THPT Năng khiếu TDTT Cần Thơ đã kết thúc thành công. Đây là giải dành cho các vận động viên phong trào, nhưng năm nay quy tụ tới khoảng 200 vận động viên của 14 đội đến từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP HCM và Cần Thơ. Sự căng thẳng, quyết liệt trong từng trận đấu từ vòng loại cũng chẳng kém gì ở sân chơi chuyên nghiệp. Các vận động viên thi đấu rất nhiệt tình, cống hiến nhiều pha ghi điểm đẹp mắt cho khán giả. Chính vì vậy, dù là giải phong trào nhưng từ hôm khai mạc 28-12-2011 đến khi bế mạc, số lượng khán giả đến sân mỗi ngày rất đông và cổ vũ cuồng nhiệt cho các vận động viên.

Mạnh yếu không phải là vấn đề ở sân chơi này, khi người tham gia cảm thấy vui bất kể kết quả thắng hay bại. Sau trận thua trước đội Thằng bé Sports đến từ TP HCM, đội trưởng Viên Dương Linh của đội TD (Cần Thơ) vẫn tươi cười: “Tham gia giải vui là chính, chủ yếu là để tụi em có cơ hội cọ xát”. Còn đội trưởng Nguyễn Minh Chương của đội Thằng bé Sports thì nói: “Đây là dịp để tụi em vui chơi cuối năm sau thời gian học căng thẳng”.

Đa phần các bạn trẻ tham dự giải là sinh viên đang theo học các ngành từ quản trị kinh doanh, du lịch đến năng khiếu thể dục thể thao... chỉ loại trừ các vận động viên chuyên nghiệp đẳng cấp quốc gia. Nhưng đó là những người đam mê môn bóng rổ. Họ đã tập hợp lại rồi thành lập từng đội bằng nguồn kinh phí... tự cấp. Các đội phải đóng phí 150.000 đồng/vận động viên để ban tổ chức giải có tiền chi cho việc thuê mướn sân bãi và tiền thưởng. Với một số đội ở các tỉnh và thành phố HCM đến Cần Thơ thi đấu hơn 10 ngày thì khoản sinh hoạt phí là cả vấn đề. Chỉ có đội như “Thằng bé Sports” thì được một nhà tài trợ hỗ trợ một phần kinh phí, còn đa số đội khác là vận động viên phải tự chi.

Ngay cả ban tổ chức cũng phải tự bỏ tiền túi cho các hoạt động của giải. Anh Nguyễn Công Hiệp, Trưởng ban tổ chức giải cho biết: Giải diễn ra chưa được nửa đường thì chi phí đã vượt ngoài dự kiến, buộc các thành viên trong ban tổ chức phải tự “móc hầu bao”. Nhà tài trợ có hứa ủng hộ nhưng chưa cấp tiền kịp thời.

Ngoài kinh phí khó khăn, thời tiết bất thường cũng khiến các nhà tổ chức “đứng ngồi không yên”. Ban đầu, giải dự định tổ chức trong nhà thi đấu đa năng, nhưng cuối cùng do điều kiện không cho phép, phải chuyển ra thi đấu ngoài trời tại sân của Trường THPT Năng khiếu. Hôm khai mạc giải, trời mưa như trút nước. May mà mưa sớm tạnh, nếu không giải phải diễn ra mà không có lễ khai mạc.

Đây là giải đấu nghiệp dư nhưng đã có một quá trình: Thời điểm năm 2006-2007, các bạn đam mê bóng rổ tập luyện nhưng không có nhiều cơ hội thi đấu. Thấy nhiều người chơi mà không thể kết nối được với nhau, anh Nguyễn Công Hiệp đã nảy ra ý định thành lập diễn đàn www.bongrovietnam.com để trao đổi thông tin giữa những người có cùng niềm đam mê. Thông qua diễn đàn, anh đã kêu gọi các thành viên tổ chức giải bóng rổ không chuyên. Từ giải đầu tiên được tổ chức vào năm 2007, có 6 đội chủ yếu tại Cần Thơ tham dự, đến lần thứ năm, giải đã quy tụ tới 28 đội và phải tiến hành vòng đấu loại, chọn một nửa số đội vào vòng chung kết.

Sau thành công của giải bóng rổ nghiệp dư này, anh Hiệp và các bạn mong muốn sẽ chuyển giải đấu thành giải chuyên nghiệp cho giới trẻ trong tương lai.

Bài, ảnh: N. MINH

Chia sẻ bài viết