30/07/2013 - 08:58

TP CẦN THƠ

Sẵn sàng trường, lớp phục vụ năm học mới

Cơ sở vật chất là một trong hai yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Xác định vai trò quan trọng này, các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang tập trung sửa chữa, xây dựng mới trường, lớp phục vụ năm học mới.

Thêm nhiều trường, lớp mới

Vào những ngày này, đến quận Thốt Nốt sẽ dễ dàng thấy hình ảnh các công nhân xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trường, lớp cho năm học mới. Tại công trình Trường Tiểu học Thốt Nốt 1, công nhân đang xây dựng 6 phòng học mới. Cô Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thốt Nốt 1, cho biết: “Ngoài 6 phòng học mới, trường còn sửa chữa 10 phòng học. Tổng kinh phí xây dựng và sửa chữa khoảng 8 tỉ đồng. Nếu công trình thi công kịp tiến độ, năm học mới này, trường sẽ đưa 10 phòng này vào sử dụng. Như vậy, toàn trường có 49 phòng học, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học; nhất là phục vụ cho các lớp bán trú và lớp 2 buổi/ngày. Dự kiến năm học mới, trường sẽ có 26/39 lớp 2 buổi/ngày; 6 lớp bán trú”. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, tháng 8-2013, trường sẽ tiếp nhận mặt bằng diện tích đất của trường mầm non (khu vực Long Thạnh A, phường Thốt Nốt), để đủ diện tích xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Một góc sân Trường Tiểu học Thốt Nốt 1.

Năm học mới này, cô trò của Trường Mầm non Thốt Nốt sẽ được học tập, sinh hoạt trong “nhà mới”, sau 2 năm thi công, với tổng kinh phí xây dựng trên 24,9 tỉ đồng. Trường nằm ở vị trí khá thuận lợi, cặp tuyến đường lớn, được lót bê tông phẳng lì. Đường dẫn vào khuôn viên trường thoáng mát, sạch sẽ, thơm mùi vôi mới. “Dọn về nhà mới” hơn 2 tuần các cô đã dọn dẹp gọn gàng, tươm tất khu vực xung quanh phòng học. Dù đã quá trưa nhưng các cô cùng hẹn ở lại trang trí phòng học, phòng ăn của trẻ… Cô Huỳnh Thị Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thốt Nốt, khoe: “Trường có diện tích 10.000m2, gồm 26 phòng học và phòng chức năng. Tầng trệt, trường bố trí các phòng học lớp Lá; tầng lầu bố trí phòng học lớp Nhà trẻ, vì trẻ học lớp Lá khá hiếu động, học ở tầng trệt để các cô dễ quản lý. Còn bếp ăn, nhà ăn, phòng y tế… bố trí ở dãy phòng khác. Trường đang đề nghị xây dựng hệ thống đường chuyền thức ăn cho trẻ”. Theo cô Thúy, trước đây còn ở cơ sở cũ, điều kiện trường lớp, phòng ốc còn thiếu thốn nhưng hằng năm, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đều hoàn thành chỉ tiêu của ngành; nhất là 2 năm học liền đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.  Hiện nay, trường có cơ sở vật chất mới, khang trang, tập thể cán bộ, giáo viên trường rất phấn khởi. Đây cũng là thách thức lớn mà tập thể cán bộ, viên chức nhà trường nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Cô Thúy bộc bạch: “Khi trường đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi huy động 100% trẻ trên địa bàn vào học. Đặc biệt, trường giữ vững thành tích đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi”.

Toàn quận Thốt Nốt hiện có 42 trường mầm non, phổ thông. Chuẩn bị năm học mới, ngành giáo dục quận Thốt Nốt đã tập trung đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng mới và sửa chữa cơ sở vật chất, như: Trường Mẫu giáo Tân Hưng (10 tỉ đồng), THCS Tân Hưng (10 tỉ đồng), THCS Thới Thuận 1 (5 tỉ đồng)… Không riêng quận Thốt Nốt mà các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố đang “chạy nước rút” chuẩn bị cho năm học mới. Đơn cử như quận Bình Thủy đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp (xây mới Trường THCS Long Hòa khoảng 15 tỉ đồng; xây dựng Trường Tiểu học Long Tuyền 2 (khu A) khoảng 38,8 tỉ đồng, do Ban quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ đầu tư). Là huyện vùng ven thành phố nhưng nhiều năm qua, huyện Cờ Đỏ đã dành hàng chục tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Nhờ vậy, huyện Cờ Đỏ có 9/46 trường đạt chuẩn quốc gia.  

Hướng đến thực hiện tốt mục tiêu giáo dục

Những năm qua, lãnh đạo các địa phương nói chung, ngành giáo dục nói riêng đã quan tâm đầu tư xây dựng mới, sửa chữa trường lớp, thực hiện mục tiêu chung của toàn ngành giáo dục năm học mới 2013-2014 là: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Vì thế, việc quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là động lực để cán bộ, giáo viên và học sinh nỗ lực phấn đấu dạy và học tốt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giáo dục địa phương và các trường, việc đầu tư xây dựng cho các đơn vị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động dạy và học. Đơn cử như các quận, huyện: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ… đều thiếu trường, lớp cho bậc học mầm non. Theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ, huyện còn một số điểm trường xuống cấp, thiếu phòng chức năng, còn hơn 120 điểm lẻ... Toàn thành phố còn thiếu khoảng 200 phòng học mầm non, mẫu giáo; một số trường tiểu học, THCS xuống cấp, thiếu sân chơi, bãi tập.

Theo thầy Bành Minh Tú, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt, hằng năm, ngành đều dành khoản kinh phí đáng kể để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trường lớp, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh được học tập trong môi trường sư phạm tốt. Tuy nhiên, so với tốc độ phát triển toàn ngành thì vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Thầy Tú nói: “Một số trường muốn xây dựng mới hay sửa chữa để đạt chuẩn quốc gia nhưng do thiếu kinh phí nên chưa thể thực hiện”. Theo cô Phan Thị Mỹ Linh, đội ngũ cán bộ, giáo viên, trường lớp của trường đảm bảo đáp ứng tương đối yêu cầu năm học. Tuy nhiên, trường còn thiếu 2 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên Anh văn; thiếu phòng học và phòng học chức năng (trường chưa có phòng âm nhạc, thiếu phòng tin học). Bởi vì, số lớp phát sinh và lớp 2 buổi/ngày tăng trong năm học mới.

Đến thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới. Dù nỗi lo thiếu trường, thiếu lớp còn canh cánh, nhưng với sự quan tâm đầu tư của các địa phương và lãnh đạo ngành giáo dục, cùng với quyết tâm của đội ngũ thầy và trò, hứa hẹn một năm mới với nhiều thắng lợi mới.

Bài, ảnh: B.KIÊN

 

Chia sẻ bài viết