Ngày 5-9 tới, học sinh TP Cần Thơ chính thức khai giảng năm học 2022-2023. Công tác phục vụ dạy và học của ngành Giáo dục thành phố đã cơ bản hoàn tất. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, cho biết:
- Năm học 2022-2023, thành phố dự kiến có hơn 252.600 học sinh, trong đó có 51.111 trẻ mầm non, 99.091 học sinh tiểu học, còn lại là học sinh trung học. Hiện các cơ sở giáo dục (CSGD) đang phối hợp với địa phương tiếp tục vận động học sinh ra lớp. Để chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt ở các khối lớp đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, thực hiện rà soát lại danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các lớp đã được ban hành để trang bị mua sắm bổ sung thiết bị dạy học; hướng dẫn các CSGD chủ động điều chỉnh, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học, phòng thực hành sẵn có đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
* Xin ông thông tin về việc chuẩn bị trường lớp?
- Toàn thành phố hiện có hơn 5.300 phòng học các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập; trong đó có hơn 4.800 phòng học kiên cố, đạt 90,16%. Tỷ lệ phòng học/lớp ở cấp tiểu học là 0,97, cấp THCS là 0,75 và cấp THPT là 0,99. Về phòng học bộ môn, cấp tiểu học có khoảng 992 phòng; cấp THCS có khoảng 405 phòng; cấp THPT có khoảng 215 phòng. Với số lượng phòng học và phòng bộ môn nêu trên, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học Chương trình GDPT 2018.
Sở GD&ĐT thành phố đang thực hiện thủ tục nâng cấp sửa chữa 8 công trình trường THPT trực thuộc, với tổng kinh phí 14,5 tỉ đồng. Các phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận, huyện tổ chức sửa chữa, nâng cấp và xây mới công trình trường học trên địa bàn quản lý, góp phần đảm bảo việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 153/KH-UBND của UBND thành phố đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non và Chương trình GDPT trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025.
Từ đầu năm 2022 đến ngày 15-8-2022, thành phố có 29 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia tính lũy kế là 336/447 trường (không kể Trường Dạy trẻ khuyết tật và Trường phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao), đạt 75,17%.

Một buổi học thể dục của học sinh Cần Thơ. Ảnh: B.Ng
* Ngành sắp xếp đội ngũ nhà giáo phục vụ giảng dạy cho năm học mới thế nào, thưa ông?
- Ngay từ khi hoàn tất việc tuyển sinh đầu cấp, Sở đã chỉ đạo các đơn vị rà soát sắp xếp, bố trí số lượng học sinh trên lớp, nhóm lớp và cơ cấu lại viên chức, giáo viên theo đúng định mức quy định. Qua rà soát, Sở sẽ thực hiện việc điều tiết nội bộ giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; đồng thời, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên cho năm học mới. Đối với những đơn vị có số lượng học sinh, số lớp tăng so với năm học 2021-2022 và đối với những môn học mới (như Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT), ngành sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc hợp đồng thỉnh giảng giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng.
Đến nay, toàn ngành giáo dục có 14.480 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 12.099 giáo viên. Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực của giáo viên. Đội ngũ nhà giáo hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Sở còn phối hợp với các NXB có sách giáo khoa (SGK) được lựa chọn tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho hơn 6.200 lượt cán bộ, giáo viên.
* Thưa ông, công tác chuẩn bị thực hiện nội dung, SGK đối với Chương trình GDPT 2018 của thành phố trong năm học mới này được cụ thể hóa ra sao?
- Sở GD&ĐT thành phố đã công bố các quyết định của UBND thành phố: Quyết định số 1189/QĐ-UBND (phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 3), Quyết định số 1294/QĐ-UBND (phê duyệt Danh mục SGK lớp 7) và Quyết định số 1373/QĐ-UBND (phê duyệt Danh mục SGK lớp 10) sử dụng trong CSGD phổ thông trên địa bàn TP Cần Thơ. Sở đã thông tin kết quả chi tiết việc lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong danh mục đã được UBND thành phố phê duyệt đến các NXB nhằm đảm bảo việc cung ứng đầy đủ SGK các môn học đến các CSGD trước ngày khai giảng năm học 2022-2023. Đồng thời, hướng dẫn các CSGD niêm yết danh mục SGK của nhà trường lựa chọn; gửi đến từng học sinh danh mục SGK sẽ được sử dụng năm học mới; hướng dẫn phụ huynh trang bị SGK cho học sinh. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị chương trình, đưa SGK cho các trường đã hoàn thành đúng tiến độ.
* Xin ông cho biết thêm ngành sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ học sinh khó khăn?
- Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các CSGD tổ chức hoạt động chuẩn bị năm học mới, trong đó có chỉ đạo tăng cường tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động các nguồn lực xã hội nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, đặc biệt là các em chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ như: quyên góp sách, vở, đồng phục, quần áo, bảo hiểm y tế cho học sinh và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, vùng ngoại thành...
Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch”, Sở GD&ĐT đã tổng hợp gửi Bộ GD&ĐT danh sách 57 học sinh TP Cần Thơ có cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ mất do COVID-19 để được hỗ trợ dụng cụ học tập và học bổng trong quá trình học tập đến năm 2026.
* Mục tiêu ngành Giáo dục thành phố hướng đến trong năm học mới là gì, thưa ông?
- Toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện GD&ĐT; kiên trì vì mục tiêu chất lượng giáo dục; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non và Chương trình GDPT 2018; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT; đổi mới quản trị nhà trường; xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo của người học; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên theo hướng chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục; bảo đảm các CSGD đạt mức tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định; huy động nguồn lực, ưu tiên phát triển GD&ĐT nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, ngành thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT. Đó là tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD&ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các CSGD; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình GDPT 2018.
Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT, cũng như các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục;…
* Xin cảm ơn ông!
Bích Ngọc (Thực hiện)