19/05/2019 - 08:47

Rút ngắn khoảng cách ĐBSCL với cả nước 

Hạ tầng giao thông vẫn luôn là điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Song, trong tương lai gần, một số tuyến đường bộ (trục dọc, ngang) kết nối các hành lang phía Đông, Tây, Nam và cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa ĐBSCL với cả nước.

Cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng sẽ giảm áp lực giao thông cho tuyến quốc lộ 1. Ảnh: H.D

Nỗ lực kết nối đồng bằng

Giai đoạn 2016-2020, trên lĩnh vực giao thông, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đầu tư cho ĐBSCL thông qua Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là 41.057 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2015 là 49.292 tỉ đồng). Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư giai đoạn 2016-2020 thấp hơn giai đoạn trước do có một số dự án lớn đã hoàn thành đi vào sử dụng như: Dự án hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 1), dự án cầu Cần Thơ, Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong…

Theo Bộ GTVT, quy hoạch đường bộ vùng ĐBSCL có 5 tuyến trục dọc. Cụ thể, tuyến quốc lộ 1 từ TP HCM-Cần Thơ-Cà Mau dài 334km đã đầu tư đủ 4 làn xe 212km; còn lại 122km đã hoàn chỉnh quy mô 2 làn xe (đoạn Thị xã Ngã Bảy-Hậu Giang đến huyện Châu Thành-Sóc Trăng 20km điều chỉnh lên 4 làn xe, Thủ tướng đã đồng ý, đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư mở rộng). Tuyến cao tốc phía Đông từ TP HCM-Cần Thơ-Cà Mau (đoạn TP HCM-Trung Lương đã hoàn thành năm 2010); đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận đang thi công, Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỉ đồng cho dự án; đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ chưa được bố trí vốn 932 tỉ đồng phần vốn góp của Nhà nước nên chưa triển khai; cầu Mỹ Thuận 2 đang triển khai thủ tục đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017-2020.

Còn tuyến Đường Hồ Chí Minh từ Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và kết thúc tại Đất Mũi hiện đã hoàn thành, nối thông đến Mỹ An (Đồng Tháp, với quy mô đường cấp 4); cầu Cao Lãnh và tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống đã hoàn thành, cầu Vàm Cống sẽ thông xe vào tháng 6-2019; đoạn Lộ Tẻ-Rạch Sỏi sẽ hoàn thành vào năm 2020 với quy mô 4 làn xe; đoạn Mỹ An-Cao Lãnh đang được đề xuất đầu tư bằng vốn vay ODA của Hàn Quốc; đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận chưa cân đối được vốn đầu tư; đoạn còn lại đi trùng với quốc lộ 63 và quốc lộ 1 kết nối đến Đất Mũi. Tuyến hành lang ven biển phía Đông thông qua quốc lộ 50, quốc lộ 60, quốc lộ 1 kết nối từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ đến Cà Mau đã hoàn thành một số cầu lớn trên tuyến (Mỹ Lợi, Rạch Miễu, Hàm Luông và Cổ Chiên), nâng cấp một số đoạn trên quốc lộ 60, quốc lộ 50 đạt chuẩn đường cấp 3 đồng bằng; trên tuyến còn cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi đang xin chủ trương đầu tư.

Tuyến N1 nối với hệ thống hành lang biên giới từ điểm cuối tuyến quốc lộ 14C (Lộc Tấn-Bình Phước) và kết thúc tại Hà Tiên dài 235km, đến nay mới hoàn thành khoảng 90km từ Châu Đốc-Hà Tiên, còn lại chưa được bố trí vốn. Theo Bộ GTVT, ngoài 5 tuyến trục dọc, ĐBSCL còn các tuyến trục ngang đã được đầu tư nâng cấp, nhưng do nguồn lực hạn hẹp, suất đầu tư lớn nên mới có một số tuyến được đầu tư, gồm: quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận-Vàm Cống, quốc lộ 91 đoạn Cần Thơ-An Giang, đường Nam Sông Hậu, Quản lộ-Phụng HIệp, đường hành lang ven biển phía Nam… Riêng hai trục ngang cao tốc là Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu sau năm 2030 mới đầu tư.

Tạo bệ phóng

Hiện nay, tuyến quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau vẫn là tuyến chính lưu thông của ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), đối với doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tại ĐBSCL, chi phí vận chuyển hàng hóa đang là thách thức lớn, do chi phí vận chuyển đường bộ cao và có xu hướng tăng, trong khi ĐBSCL chỉ có cao tốc TP HCM-Trung Lương nên làm chậm quá trình vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Do vậy, việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường thủy và đường biển là yêu cầu cấp thiết không chỉ cho vùng mà cho doanh nghiệp phát triển, giảm chi phí trong giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo ông Trần Văn Thi, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, ĐBSCL nền đất yếu nên suất đầu tư hạ tầng giao thông cao, các đơn vị đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Đối với Dự án kết nối đồng bằng Mekong có 5 hợp phần, mới làm 3 hợp phần là cầu Cao Lãnh, Vàm Cống và tuyến nối cầu Vàm Cống- cầu Cao Lãnh. Tới đây, cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng sẽ cùng với cầu Cao lãnh, tuyến nối hai cầu này và dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi (hoàn thành trong quý I-2020) có tổng chiều dài khoảng 80km và nằm trên trục đường cao tốc phía Tây, hình thành trục dọc thứ hai kết nối Tuyến N2 sẽ giảm tải cho quốc lộ 1. Đồng thời từng bước hình thành hoàn chỉnh trục dọc kết nối phía Tây ĐBSCL, giúp cho kinh tế vùng phát triển.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Vùng ĐBSCL sản phẩm chính là nông nghiệp, phụ thuộc vào vận tải rất nhiều. Khi Cầu Vàm Cống đưa vào khai thác, nông sản từ Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp đi TP HCM và Đông Nam bộ và chiều ngược lại cũng thuận tiện hơn, giảm chi phí vận chuyển, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa. Thay vì hàng hóa từ Kiên Giang, An Giang muốn đi TP HCM khi chưa có cầu Vàm Cống sẽ qua Cần Thơ, quãng đường dài hơn, chi phí vận chuyển cao hơn; còn giờ không cần qua TP Cần Thơ, điều này cũng giảm bớt áp lực giao thông cho thành phố.

Để phát triển ĐBSCL thì giao thông phải đi trước một bước, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ sớm bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỉ đồng để UBND tỉnh Tiền Giang hoàn thiện các thủ tục, tiếp trục triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thông xe cao tốc đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận trong năm 2020; đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ nỗ lực khởi công quý III-2020, hoàn thành năm 2022; phấn đấu khởi công cầu Mỹ Thuận 2 trong quý III-2019, hoàn thành năm 2023. Kiến nghị Chính phủ cho nghiên cứu để đầu tư cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trong giai đoạn trước năm 2030. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho nghiên cứu đầu tư nâng cấp đoạn Đức Hòa-Mỹ An đảm bảo đồng bộ với tuyến Cao Lãnh-Vàm Cống-Rạch Sỏi.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, quốc lộ 91 được đầu tư nâng cấp phù hợp, nhưng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang trục ngang trung tâm của vùng ĐBSCL là rất lớn. Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh lộ trình đầu tư để kêu gọi vốn cho tuyến cao tốc này trước năm 2030, đảm bảo kết nối đến cảng biển Trần Đề sau khi được xây dựng và kết nối với cửa khẩu dọc biên giới Campuchia. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cầu Rạch Miễu 2; duyệt chủ trương đầu tư cầu Đại Ngãi bằng vốn ODA Nhật Bản; nâng cấp quốc lộ 60 đoạn qua Trà Vinh, Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025... Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đầu tư các tuyến cao tốc, nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu đã quy hoạch nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ cho cho vực ĐBSCL, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cầu Vàm Cống