09/09/2008 - 20:47

Thực hiện dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 2

Rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn

Giai đoạn 1 của Dự án Nâng cấp đô thị (NCĐT) TP Cần Thơ đã thực hiện thành công. Nhiều tuyến hẻm, công trình hạ tầng xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần chỉnh trang khu vực trung tâm của thành phố. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND thành phố) tại dự án này vừa qua cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm để thực hiện giai đoạn 2 tốt hơn.

* Giai đoạn 1: thành công, nhưng...

Thời gian gần đây, mỗi khi có dịp đi ngang qua khu vực hồ Xáng Thổi hay những tuyến hẻm ở phường An Cư và phường An Hội, nhiều người nhận ra những thay đổi rõ nét ở khu vực này. Nhiều người dân đều có chung nhận định: Đó là nhờ dự án NCĐT TP Cần Thơ!

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án (BQLDA) NCĐT, Dự án NCĐT TP Cần Thơ là một trong 4 tiểu dự án thuộc dự án NCĐT Việt Nam, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Dự án được khởi động từ năm 2004 và chính thức khởi công từ năm 2005. Đến nay, dự án đã hoàn thành việc nâng cấp và đưa vào sử dụng 66 tuyến hẻm, 2 trạm y tế, 4 trường mẫu giáo, 1 nhà trẻ ở 2 phường An Hội và An Cư. Khu vực kinh và hồ Xáng Thổi, điểm nóng về ô nhiễm môi trường của thành phố trước đây, đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành việc nâng cấp... Để có được những thành công bước đầu đó, BQLDA đã kết hợp với chính quyền địa phương vận động 313 hộ dân di dời đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ngoài ra, còn có trên 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng một phần của dự án. Tổng kinh phí bồi thường thiệt hại ở giai đoạn 1 lên tới 86 tỉ đồng.

Khu tái định cư Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ là khu tái định cư duy nhất trên địa bàn thành phố có đầy đủ đường, điện, cấp - thoát nước, chợ, trường mẫu giáo, trường tiểu học.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố, Trưởng Đoàn giám sát, nói: “Trong chuyến công tác của Đoàn giám sát của Tiểu ban Các vấn đề xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại TP Cần Thơ mới đây, Đoàn đã đánh giá cao công tác triển khai, thực hiện của TP Cần Thơ và cho biết Dự án NCĐT TP Cần Thơ là dự án có tiến độ thực hiện tốt nhất trong 4 dự án thuộc Dự án NCĐT Việt Nam”. Nguyên nhân dẫn đến sự thành công ở giai đoạn 1 của dự án, được nhiều thành viên Đoàn giám sát xác định, là do chính sách bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư hợp lý. Theo BQLDA, trước khi tiến hành giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, WB yêu cầu BQLDA phải xây dựng trước khu tái định cư với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, đường giao thông...) và hạ tầng xã hội (trường mẫu giáo, trường tiểu học, trạm y tế, chợ...). Khi khu tái định cư cơ bản hoàn thành, WB mới “bật đèn xanh” cho khởi công, tiến hành di dời dân. Nhờ vậy, dự án dễ dàng được người dân đồng thuận, tiến độ thực hiện nhanh chóng.

Dù vậy, khi Đoàn giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố giám sát Dự án NCĐT TP Cần Thơ, vẫn phát hiện nhiều vấn đề cần khắc phục để giai đoạn 2 thực hiện tốt hơn.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố, nói: “Theo tôi, mỗi lần nâng cấp hẻm là một lần khó. BQLDA đã có nhiều cố gắng trong thực hiện, nhưng tôi nhận thấy ở một số tuyến hẻm vẫn còn tình trạng nâng cấp không đồng bộ, chưa thật sự như mong muốn của người dân. Đó là tình trạng các hẻm nâng cấp nơi rộng, nơi hẹp không thống nhất nhau. Ngay trong cùng một tuyến hẻm cũng có nơi rộng, nơi hẹp, hoặc ở trong thì rộng nhưng hai đầu hẻm thì hẹp. Ở một số tuyến hẻm, dù mới nâng cấp, nhưng đã bị ứ đọng nước mỗi khi trời mưa...”.

Còn ông Trần Văn An, đại biểu HĐND thành phố, đặt vấn đề: “Với đà phát triển hiện nay, trong tương lai dân cư thành phố, nhất là khu vực trung tâm, sẽ còn đông đúc hơn. Do đó, khi thực hiện dự án, nâng cấp các tuyến hẻm cần tính toán để thời gian sử dụng dự án lâu dài hơn, tránh tình trạng vừa nâng cấp đã chật hẹp”.

Một số thành viên khác trong Đoàn giám sát chất vấn: Vì sao, sau khi mở rộng hẻm xong, BQLDA và chính quyền địa phương không tổ chức thu hồi “giấy đỏ” của dân và hiệu chỉnh, cấp lại cho họ theo quy định, tránh nảy sinh các vấn đề phức tạp, tranh chấp sau này? Đoàn giám sát còn nêu thêm tình trạng người dân cất nhà cơi nới, làm mái che chiếm không gian ở những tuyến hẻm vừa nâng cấp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị... Ngoài ra, nhiều hẻm nâng cấp đã lâu, nhưng nhiều nơi cột điện vẫn chưa được di dời, còn nằm ở giữa hẻm, dễ gây phản cảm và mất an toàn giao thông.

* Cần tạo sự đồng thuận của cộng đồng

Một trong những băn khoăn của nhiều thành viên đoàn giám sát là ở giai đoạn 2 người dân sẽ phải đóng góp 10% kinh phí xây dựng hạ tầng, thay vì chỉ 3% như ở giai đoạn 1. Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc BQLDA NCĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Giai đoạn 1 của dự án còn mang tính chất thí điểm, rút kinh nghiệm, để có những điều chỉnh thực hiện phù hợp hơn. Hơn nữa, do ở giai đoạn 2, quy mô của dự án lớn, tổng mức đầu tư lớn hơn, trong khi đó vốn đối ứng của ngân sách thành phố có hạn, nên phải huy động thêm sức dân”. Ông Lê Văn Tiển cho biết thêm, với mức huy động này, mỗi hộ chỉ đóng góp khoảng 200.000 đồng cho mỗi mét tới, do đó tổng mức đóng góp sẽ không cao. Hơn nữa, nếu người dân chấp nhận hiến đất thực hiện dự án, thì không phải đóng góp khoản 10% kinh phí này. Nhiều thành viên Đoàn giám sát đồng tình với quan điểm của BQLDA. Bởi khi hẻm được nâng cấp khang trang, khả năng sinh lợi của người dân nhiều hơn. Đây là dự án phục vụ cộng đồng, do đó cộng đồng phải có trách nhiệm cùng nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, bà Trần Thị Kim Một, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, lưu ý: “Một khi đã huy động sức dân, BQLDA cần phải phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng tình thực hiện, tránh tình trạng so bì trong dân...”.

Theo BQLDA, ở giai đoạn 2, ngoài 140 tuyến hẻm ở hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy, dự án còn thực hiện nâng cấp nhiều hạ tầng cấp 2 ở khu vực trung tâm thành phố. Trong đó, có nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường của thành phố, như: rạch Cái Khế, rạch Tham Tướng... Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc BQLDA NCĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, song song với việc tư vấn hoàn tất các thủ tục trình các cơ quan chức năng phê duyệt dự án, BQLDA đang phối hợp với UBND quận Ninh Kiều khẩn trương xây dựng mở rộng khu tái định cư của dự án, để phục vụ công tác tái định cư của dự án”. Ông Nguyễn Thanh Vững, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, nhấn mạnh: “Không có khu tái định cư thì không làm gì được. Do đó, UBND quận sẽ phối hợp chặt chẽ với BQLDA đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư này”.

Về vấn đề vốn đối ứng để thực hiện dự án, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: “Những khó khăn khi bắt tay vào thực hiện dự án ở giai đoạn 1 là không ít, nhất là những trở ngại do những chính sách của Việt Nam và yêu cầu của WB có khác nhau, nhưng chúng ta đã vượt qua và đạt được kết quả ban đầu. BQLDA và thành phố đã có nhiều kinh nghiệm khi thực hiện dự án ở giai đoạn 1. UBND thành phố xác định đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Do đó, dù có khó khăn về ngân sách, thành phố vẫn ưu tiên kinh phí để đảm bảo giai đoạn 2 của dự án triển khai thực hiện tốt”.

Dù vậy, nhiều thành viên Đoàn giám sát vẫn băn khoăn, vì thời gian thực hiện toàn bộ dự án đã đi gần nửa đường, nhưng còn tới 2/3 khối lượng công việc phải thực hiện. Nhất là ở giai đoạn 2 có tới gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Đây là công việc nặng nề, đòi hỏi chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần khẩn trương triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố, Trưởng Đoàn giám sát, đề nghị: “Dự án NCĐT TP Cần Thơ là 1 trong 17 dự án trọng điểm của thành phố. Ở giai đoạn 2 quy mô rất lớn, đề nghị BQLDA và các ngành, địa phương có liên quan cần tập trung xây dựng hoàn thành khu tái định cư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục, đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng. Trước mắt, các địa phương, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đảm bảo công trình đạt chất lượng sử dụng lâu dài, bảo đảm trật tự giao thông, mỹ quan đô thị...”.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết