Từ cánh đồng Tứ giác Long Xuyên vẫn còn trắng xóa một vùng biển nước, nhìn xa xa khu rừng tràm Trà Sư như một hòn đảo in đậm một màu xanh thẫm…
Rừng tràm Trà Sư cách TP Châu Ðốc 17km đi theo đường quốc lộ rồi rẽ vào một đoạn cuối của tỉnh lộ 948 là chạm đến cửa ngõ của bìa rừng. Ðoàn tham quan của chúng tôi có mặt tại đây từ sáng sớm ngay vào những ngày thời tiết mới lập đông, từng luồng gió bấc buổi ban mai cuốn theo hơi nước của cánh đồng lũ mơn man thổi nhẹ, đem đến sự trong lành thư thái.
Tham quan Rừng tràm Trà Sư (Ảnh chụp trước dịch bệnh). Ảnh: Kiều Mai
Rừng tràm Trà Sư có nguồn gốc từ rừng nguyên sinh của vùng Tứ giác Long Xuyên được mở rộng, trồng thêm cây tràm và bạch đàn ở những năm 1983-1990, diện tích 845ha thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Rừng được khai thác du lịch cách đây khoảng 15 năm, góp thêm điểm du lịch vào vùng Thất Sơn. Lượng khách đến rừng được duy trì khá ổn định nhờ hệ thống đê bao chung quanh luôn giữ được mực nước cần thiết để du khách dạo rừng bằng vỏ lãi, hoặc ngồi xuồng để đi sâu vào rừng chiêm ngưỡng cuộc sống hoang sơ mà náo nhiệt của các loài chim, cò.
Ðến với rừng tràm Trà Sư, du khách được tiếp đón niềm nở. Ðầu tiên được mời vào khu nhà trưng bày một số mẫu vật rừng, bản đồ vị trí, được giới thiệu về lịch sử khu rừng, các chủng loại động, thực vật, hệ thống đê bao, kinh đào, lạch nước, nơi có lung sen, lung súng, chỗ đàn chim hội tụ, các điểm dừng chân, ăn uống, câu cá… Sau đó, du khách được người hướng dẫn đưa xuống vỏ lãi, phân phát áo phao, bắt đầu một chuyến du hành sâu trong rừng… Gió Ðông Bắc lúc này cũng thổi mạnh, hoa tràm rơi lác đác, chiếc vỏ lãi rẽ sóng tạo bụi nước tung tóe bay...
Ðến một lạch nước nhỏ, anh tài công cho vỏ lãi chậm lại, nhiều cánh cò, vạc, gà nước, le le, còng cọc… vừa kêu vừa đập cánh bay lên phần phật, lúc này đoàn chúng tôi mải mê ngắm cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng không khí trong lành của rừng, như quên hết mỏi mệt của cuộc sống... Ði thêm một đoạn nữa là khoảng rộng của đầm sen, một vài chòm hoa súng lẻ loi cố nhô lên khỏi mặt nước khép nép chen mình bên cả một đầm sen đầy hoa rực rỡ. Chung quanh bờ đầm nhiều cây điên điển nở rộ hoa vàng đang trong chính vụ của mùa nước nổi, nhiều cây hoang dại, có tán lá sum suê, dây leo um tùm. Ðây cũng là nơi đàn dơi treo mình ngủ ngày bất động. Qua đầm sen, điểm dừng chân đầu tiên là "trạm giao liên" theo cách nói ví von của người hướng dẫn, tại đây là dãy nhà lá, có kệ ngồi bằng gỗ tràm, cũng có bày bán nhiều thứ rau rừng, giá chỉ từ 20.000 đồng/bó.
Tại điểm dừng chân này, chúng tôi được đổi phương tiện di chuyển sang xuồng, len lỏi vào sâu trong rừng, nơi có sân chim. Ở đó, tiếng kêu của chúng tạo thành bản hòa tấu vang một góc rừng. Rừng tràm lúc này, mực nước ngập gốc khoảng 7 tấc đến 1m, du khách có thể dùng tay níu từng cây tràm để đẩy xuồng chen qua chỗ hẹp, nhiều loài chim làm tổ trên đọt tràm, nhiều nhất vẫn là họ nhà cò; kế tiếp là còng cọc; các chủng loại vạc như: xanh, xám, bông, xanh trắng, loài này kiếm ăn ban đêm, ban ngày chúng nằm ổ, hoặc rúc đầu ngủ ngày trên những gốc tràm, chỗ kín nắng… Riêng giang sen, trích ré, sếu, le le, gà nước... sống rải rác khắp khu rừng. Hiện nay, rừng tràm Trà Sư có 70 loài chim cư trú được thống kê, theo nhân viên kiểm lâm của rừng.
Một góc ừng tràm Trà Sư (Ảnh chụp trước dịch bệnh). Ảnh: Kiều Mai
Sau khi rời khỏi lô tràm có sân chim, du khách tiếp tục di chuyển bằng vỏ lãi men theo kinh đào mà trên bờ đê là 2 hàng bạch đàn thẳng tắp dành cho người dạo bộ. Nhiều đoạn kinh mặt nước được bao phủ bởi một lớp mỏng bèo dâu, người ngồi trên vỏ lãi có cảm nghĩ tưởng chừng như đi tàu bay trên thảm cỏ. Cứ đi một đỗi lại bắt gặp một chòi trại, là trạm gác của nhân viên kiểm lâm… Cuối cùng là đài quan sát cao 30m, ở độ cao này nhìn vào ống nhòm mới thấy toàn cảnh khu rừng tràm, thấy cả dãy núi hùng vĩ Thất Sơn của vùng Tây Nam Tổ quốc và cánh đồng nước mênh mông vùng tiếp giáp biên giới Campuchia…
Tại điểm dừng chân này, du khách có thể giải khát, dùng cơm, thư giãn... Nếu muốn câu cá, du khách sẽ được hướng dẫn tận nơi, tha hồ mà thả mồi bắt những con cá đồng mùa nước nổi. Cá ở đây qua mùa khô nước rút cạn xuống kinh, lạch, người ta dùng lưới kéo, bắt mỗi năm hàng tấn cá đồng đủ loại: rô, lóc, trê, sặc… Những sản vật này được chế biến để du khách thưởng thức tại rừng như: cá lóc quấn lá sen nướng trui, trê vàng nướng chấm nước mắm gừng ăn với bông điên điển, cá rô mề kho tộ, cá sặc nấu canh chua bông súng… với giá cả phải chăng mà ngon vô cùng. Hôm đó, đoàn chúng tôi được thưởng thức cháo cá, gỏi ngó sen và bắp chuối. Hoang dã, đơn sơ mà ấm cúng giữa những ngọn gió cuối năm se lạnh.
Hoàng hôn buông xuống. Trên đường rời khỏi rừng, anh tài công không cho vỏ lãi chạy theo đường cũ mà xuyên qua lạch nước của một góc rừng nguyên sinh, ở đó cũng có rất nhiều sen, súng, có cả củ co… Chúng tôi bị cuốn hút theo cảnh sắc và ngắm nhìn nhiều cặp trích rừng mỏ đỏ rượt đuổi quấn quýt nhau tình tứ. Trên trời, từng đàn cò trắng lượn lờ bay về tổ. Rừng tràm Trà Sư thật thơ mộng và yên bình…
Ðoàn Nô