18/05/2019 - 19:48

Rộng mở cơ hội thu hút đầu tư vào ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD hằng năm có sự đóng góp từ vùng như: gạo, thủy sản… Song, ĐBSCL hiện có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình cả nước, vùng đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển; mức chi đầu tư phát triển cho vùng cũng thấp hơn so với cả nước. Năm 2018, tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cả nước là 26,2%, trong khi vùng ĐBSCL tỷ trọng này chỉ chiếm 22,8%. Hạ tầng cơ sở của vùng chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa kết nối các phương thức vận chuyển cũng là trở ngại lớn cho thu hút đầu tư vào vùng.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức hội thảo khởi động Lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050 trong khuôn khổ của tiểu dự án 6, thuộc Hợp phần 1, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lập quy hoạch vùng ĐBSCL theo cách tiếp cận mới, mang đến tầm nhìn mới, cơ hội mới để đưa ĐBSCL phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Để lập quy hoạch thành công cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp (DN). ĐBSCL được lập quy hoạch phát triển đồng bộ trên cả 3 phương diện kinh tế- xã hội- môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự phát triển bền vững còn mang đến nhiều cơ hội thu hút đầu tư cho các địa phương ĐBSCL.

ĐBSCL hiện có khoảng 49.000 DN hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm 2019, toàn vùng có thêm 3.100 DN thành lập mới, vốn đăng ký 30.500 tỉ đồng (tăng 1,5% về số DN và 3,3% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước). Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 4 tháng đầu năm 2019, khu vực ĐBSCL có 9/13 địa phương (trừ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu) thu hút thêm dự án FDI mới với 56 dự án, tổng vốn đăng ký 667,47 triệu USD. Tính chung vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm, vốn góp và mua cổ phần thì ĐBSCL thu hút thêm 789,21 triệu USD vốn FDI. Tính đến hết tháng 4-2019, vùng ĐBSCL có 1.579 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 22,19 tỉ USD.

Một số nhận định cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL đang có sự chuyển động tích cực trong thu hút đầu tư. Tới đây, vùng có nhiều cơ hội để trở mình mạnh mẽ, do nhiều dự án giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển đang được Trung ương quan tâm đầu tư sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. DN, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn tới vùng kinh tế đầy hứa hẹn và tiềm năng khi hạ tầng cơ sở của vùng được đầu tư hoàn thiện, kết nối với các vùng kinh tế khác trên cả nước. Khi đó, thế mạnh về sản xuất, chế biến nông thủy sản của vùng sẽ được phát huy mạnh mẽ, nhà đầu tư, DN cũng giảm được chi phí vận chuyển và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết