09/11/2024 - 16:50

Rất ủng hộ cơ chế tuyển dụng riêng cho ngành giáo dục 

(CTO) - Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) “rất đồng tình và ủng hộ dự thảo Luật đề xuất cơ chế tuyển dụng riêng dành cho ngành giáo dục” để có thể “tuyển đúng người và có đội ngũ nhà giáo đủ mạnh”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, chủ trì phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Cuối giờ sáng 9-11, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, chủ trì phiên thảo luận Tổ 8 cùng các đơn vị: Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum (Tổ 8) thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Cần tạo điều kiện “tối đa” để thu hút giáo sư nước ngoài

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo “có nhiều lĩnh vực được điều chỉnh rất tốt”. Trong đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương đồng ý với 8 trong số 9 khoản của Điều 6 quy định chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. “Riêng nội dung khuyến khích, tạo điều kiện để nhà giáo là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia giảng dạy ở Việt Nam (Khoản 8 - PV), theo tôi, cần quy định rõ hơn nữa, đặc biệt là khối đại học” - ĐBQH Nguyễn Thanh Phương nói. Đại biểu cho biết, hiện có rất nhiều giáo sư ở các nước châu Âu, Nhật Bản khi hết tuổi công tác họ muốn tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở các trường trong khu vực châu Á, như Việt Nam, Maylaysia, Thái Lan… “Sao mình không khai thác tối đa nguồn lực trí tuệ này để thúc đẩy ngành giáo dục của mình tiếp cận với giáo dục thế giới? Theo tôi, nên có điều ghi rõ, riêng về vấn đề thu hút và tạo điều kiện “tối đa” để các nhà giáo ở nước ngoài có thể đến làm việc tại Việt Nam, nhất là dạy ở các trường đại học. Muốn làm được điều này, chính sách visa, giấy phép làm việc rất quan trọng”.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay, người nước ngoài đến nước ta làm việc, muốn xin giấy phép lao động thời hạn 1 năm “khó dữ lắm luôn và rất nhiều thủ tục, đặc biệt là làm ở trường đại học”. “Trường tôi có ông chuyên gia người Nhật, khi qua ông lo hết mọi thứ, đem tiền nghiên cứu tới luôn nhưng xin giấy phép làm việc một năm không được. Vì vậy, cứ 3 tháng một lần, chúng tôi phải đưa ông qua cửa khẩu Tây Ninh hoặc An Giang, qua Campuchia vài tiếng, đóng dấu xuất cảnh rồi quay về nhập cảnh lại”. Kể câu chuyện này, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương một lần nữa nhấn mạnh “cùng với chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chuyên gia nước ngoài thì chính sách visa, giấy phép làm việc phải thực sự thông thoáng để họ đến làm việc”.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương “rất đồng tình và ủng hộ dự thảo Luật đề xuất cơ chế tuyển dụng riêng dành cho ngành giáo dục” để có thể “tuyển đúng người và có đội ngũ nhà giáo đủ mạnh” (Điều 16). Điểm mới của dự thảo Luật trong tuyển dụng giáo viên đó là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Cũng theo dự thảo Luật, các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo. Cụ thể, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền; đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng. Đồng thời, dự thảo Luật quy định về các đối tượng được tuyển dụng đặc cách, ưu tiên. Trong đó có người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo…

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Phương, “tuyển dụng giáo viên phải có cơ sở giáo dục tham gia chứ để ngành nội vụ thì không trọn vẹn và cần quy định điều kiện đặc cách để tuyển dụng”. “Các trường trên thế giới đi tìm người tài chứ không phải thông báo để người tài tìm tới người ta. Mình thông báo tuyển dụng, ai thấy thì vô, là hơi bị ngược. Nếu tìm và kéo người tài về mà hệ thống tuyển dụng quá phức tạp thì người ta sẽ chạy đi”. Tôi nghĩ phải mở cửa rất lớn để quyền tuyển dụng của các cơ sở giáo dục mạnh lên và theo hướng là mình đi tìm người tài về cho đơn vị chứ không phải là mở cửa để người ta đi vào” - ĐBQH Nguyễn Thanh Phương giải thích.

Chính phủ sớm quy định chi tiết về cơ chế tuyển dụng, chính sách hỗ trợ

Cũng là một đại biểu đang làm trong ngành giáo dục, ĐBQH Nàng Xô Vi (Kon Tum), hiện công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum, nhất trí với việc dự thảo Luật giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục.

“Tôi đồng tình với quy định này. Quy hoạch đội ngũ giáo viên cần bảo đảm đồng bộ, dài hạn, bảo đảm sự chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp và đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo. Chính vì vậy, cần giao trách nhiệm, sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục là phù hợp”, ĐBQH Nàng Xô Vi bày tỏ. 

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết: "Điều chúng tôi quan tâm nhất là Luật Nhà giáo có giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên không và làm sao vùng sâu, vùng xa có đủ giáo viên để thực hiện đầy đủ và chất lượng chương trình giáo dục phổ thông 2018". Bởi lẽ, đội ngũ giáo viên ở vùng sâu vùng xa hiện nay thiếu tính ổn định. Hiện nay, có rất nhiều nhà giáo chủ động xin ra khỏi nghề và tình trạng này ngày càng tăng. Các tỉnh miền núi cũng thiếu nguồn tuyển dụng, đặc biệt là thiếu nguồn tuyển dụng ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật… Tình trạng này, theo đại biểu, có một số nguyên nhân từ cơ chế, chính sách. Đó là định mức biên chế giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu so với số học sinh tăng hằng năm. Chưa có cơ chế chính sách (tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo..) đủ mạnh về tạo nguồn, tuyển dụng, hỗ trợ giáo viên để thu hút các nhà giáo đến công tác lâu dài ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì vậy, để từng bước giải quyết các tồn tại trên, ĐBQH Nàng Xô Vi đề nghị Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển, tuyển dụng đặc cách; cũng như các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để để thu hút các nhà giáo đến công tác lâu dài ở vùng khó khăn đã được quy định tại Điều 6, Điều 16.

Cụ thể, theo đại biểu Nàng Xô Vi, cần có các chính sách đặc thù hỗ trợ cho nhà giáo người dân tộc thiểu số tham gia các chương trình, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, như học bổng, chế độ trợ cấp để đảm bảo họ có đủ điều kiện tiếp cận và có cơ hội phát triển chuyên môn. “Sau khi ban hành Luật Nhà giáo, đề nghị Chính phủ quy định cụ thể hơn về các chính sách đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo người dân tộc thiểu số; chính sách tạo nguồn và nâng cao số lượng và chất lượng nhà giáo người dân tộc thiểu số; chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo khi làm việc tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; chính sách cử tuyển để phát triển nguồn nhân lực nhà giáo người dân tộc thiểu số...”.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết