04/06/2008 - 22:31

Rà soát, bãi bỏ những thủ tục, giấy tờ gây khó cho dân

Thành phố Cần Thơ tổ chức chuẩn hóa hồ sơ, biểu mẫu hành chính hoàn tất đối với 13 lĩnh vực từ năm 2007, trong đó một số lĩnh vực có nhiều bức xúc về thủ tục, giấy tờ đã được “ưu tiên” trước. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ hành chính, một số cơ quan công quyền vẫn tùy tiện đặt thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp… cần tiếp tục rà soát, bãi bỏ.

Nhiêu khê giấy tờ đăng ký hộ khẩu:

Mới đây, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) Sở Nội vụ TP Cần Thơ đã kiểm tra tình hình thực hiện CCHC tại thị trấn Phong Điền. Qua kiểm tra, Đoàn đã phát hiện địa phương này trong giải quyết hồ sơ hộ khẩu của người dân vẫn tùy tiện yêu cầu người dân phải nộp các giấy tờ chứng minh việc cất nhà là hợp pháp. Cụ thể: nếu là đất cha mẹ cho thì người con phải có “giấy cho đất” hoặc phải xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cha mẹ đứng tên. Vấn đề này, ông Lương Văn Thái, Công an thị trấn Phong Điền, giải thích: “Việc giải quyết hồ sơ đăng ký cấp sổ hộ khẩu, lâu nay Công an huyện vẫn yêu cầu người dân phải nộp các giấy tờ này nếu nhà ở không có giấy tờ hợp pháp. Do đó, Công an thị trấn phải yêu cầu người dân nộp đủ, để khỏi phải bổ sung giấy tờ, mất thời gian”. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại quận Cái Răng. Hiện nay, hầu hết công an các phường trên địa bàn quận vẫn còn yêu cầu người dân khi đăng ký cấp sổ hộ khẩu nếu nhà ở chưa có giấy tờ hợp pháp thì phải làm “giấy cho đất”, để địa phương có căn cứ xác nhận nhà ở đủ điều kiện cấp hộ khẩu.

Cán bộ “một cửa” xã Tân Thới (huyện Phong Điền) hướng dẫn người dân hoàn tất hồ sơ hành chính. 

Việc phải nộp “giấy cho đất” khi làm hộ khẩu đã gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Anh Nguyễn Văn Mạnh, ở thị trấn Phong Điền, cho biết: “Việc bắt nộp giấy cho đất là gây khó khăn cho người dân, vì “giấy cho đất” không có biểu mẫu, người dân không biết phải viết ra sao, viết những nội dung gì. Theo tôi, “giấy cho đất” là thủ tục không cần thiết, vì trong hồ sơ hộ khẩu đã có UBND thị trấn xác nhận là nhà đất không tranh chấp, lấn chiếm, không nằm trong quy hoạch đã có thông báo thời gian di dời đã đủ chứng minh nhà đất hợp pháp”.

Vấn đề này, ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn kiểm tra, khẳng định: “Việc yêu cầu người dân phải nộp giấy tờ cho đất là tùy tiện đặt thêm thủ tục trái quy định. Theo bộ hồ sơ biểu mẫu hộ khẩu mà Công an TP Cần Thơ đã chuẩn hóa, “giấy cho đất” đã được bãi bỏ. Nếu nhà đất chưa có giấy tờ thì địa phương xác nhận nhà ở không thuộc trường hợp lấn chiếm, tranh chấp, hoặc nằm trong quy hoạch đã có thông báo thời gian di dời”. Về phía Công an TP Cần Thơ, Thượng tá Nguyễn Công Hảo, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính – Trật tự xã hội, cho biết: “Hồ sơ hộ khẩu đã được Công an thành phố chuẩn hóa từ năm 2007. Công an thành phố đã triển khai, quán triệt đến công an các địa phương, đồng thời đưa lên trang web www.cchccantho.gov.vn. Các địa phương phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định”.

Phiền hà hồ sơ hộ tịch, vay vốn!

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, ở thị trấn Phong Điền, phản ánh: “Mới đây, tôi bị thất lạc giấy khai sinh và được UBND thị trấn Phong Điền cấp lại giấy khai sinh mới. Tuy nhiên, khi tôi cầm giấy khai sinh này để điều chỉnh văn bằng, chứng chỉ thì cán bộ yêu cầu tôi về địa phương bổ sung phần nguyên quán trước đây vào giấy khai sinh. Tôi thấy việc này quá phiền hà”. Vấn đề này, ông Trương Văn Dầy, cán bộ tư pháp – hộ tịch thị trấn Phong Điền, cũng thừa nhận: “Thời gian qua, có một số trường hợp gặp rắc rối khi được cấp lại giấy khai sinh, có điều chỉnh nguyên quán ghi trong giấy khai sinh theo địa giới hành chính mới hiện nay, từ “xã Nhơn Ái” thành “thị trấn Phong Điền”. Vì một số cơ quan giải quyết thủ tục hành chính khác cho rằng nguyên quán trong các giấy tờ này không khớp nhau. Thị trấn đã phải bổ sung thêm phần nguyên quán cũ trước đây là xã Nhơn Ái, điều này là không đúng quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký, quản lý hộ tịch”.

Tại buổi làm việc với UBND xã Tân Thới (huyện Phong Điền) về công tác CCHC, ông Đoàn Bút Mực, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, phản ánh: “Lâu nay, khi người dân trên địa bàn có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên quan hệ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Phong Điền để vay vốn, ngân hàng đều yêu cầu phải sang tên tài sản, nhà đất cho con thì mới ký kết hợp đồng tín dụng. Trường hợp này, xã không giải quyết hồ sơ chuyển nhượng tài sản thì khó cho dân, nhưng nếu giải quyết thì cũng lo sau này sẽ nảy sinh phức tạp”. Việc này, ông Nguyễn Văn Bính, ở ấp Tân Long, xã Tân Thới, cho biết: “Tôi có 8 công ruộng, muốn thế chấp vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng cán bộ tín dụng nói tôi tuổi đã cao, phải chuyển giấy đất cho con trai đứng tên mới cho vay được. Tôi thấy, mất thời gian làm thủ tục, giấy tờ sang tên nên đành thôi, đi vay ở ngân hàng khác, lãi suất có cao hơn chút đỉnh nhưng đỡ rắc rối”.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Đối với trường hợp trên 60 tuổi, rủi ro cho hợp đồng tín dụng cao, nên ngân hàng yêu cầu phải làm thủ tục thừa kế tài sản thế chấp cho người lao động chính. Quy định này mặc dù không có trong văn bản, giấy tờ nhưng được xem là biện pháp đảm bảo việc thu hồi vốn vay của ngân hàng, đã thực hiện nhiều năm nay tại TP Cần Thơ. Còn việc yêu cầu người vay trên 60 tuổi phải sang tên chuyển nhượng tài sản thế chấp cho con, cháu trong độ tuổi lao động mới cho vay xảy ra trên địa bàn huyện Phong Điền là do chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền đặt thêm thủ tục. Chúng tôi sẽ cử cán bộ kiểm tra, xác minh để chấn chỉnh ngay”. Cũng theo ông Lê Văn Thơ, thủ tục lập thừa kế tài sản thế chấp vay vốn đã được quy định cụ thể trong hồ sơ vay vốn, người vay chỉ cần liệt kê tên người được thừa kế, tài sản thừa kế. Còn tài sản thế chấp vẫn do người vay vốn đứng tên, không phải chuyển nhượng, sang tên tài sản thế chấp cho người thừa kế.

***

Trao đổi về việc một số địa phương, ngành tự đặt thêm thủ tục, gây phiền hà cho người dân, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, chỉ đạo: “Nguyên tắc giải quyết hồ sơ hành chính là phải nhanh chóng, chính xác, đúng quy định. Nếu địa phương nào, ngành nào tự đặt thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp thì phải khắc phục ngay. Đối với vấn đề thay đổi địa giới, dẫn đến một số thông tin trong giấy tờ hành chính có sự thay đổi, cán bộ phải có trách nhiệm điều chỉnh, người dân không phải lập hồ sơ thủ tục gì. Nếu cơ quan, cán bộ nào cố tình vi phạm, gây khó khăn, đề nghị bà con báo cáo kịp thời về Văn phòng UBND thành phố hoặc Sở Nội vụ để UBND thành phố có cơ sở xử lý. Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên tổ chức rà soát, phát hiện thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp để đề nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết