04/02/2008 - 16:48

Bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ:

Quyết tâm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động lớn để góp phần chấn hưng giáo dục tại TP Cần Thơ

TP Cần Thơ đã góp phần đáng kể vào các cuộc vận động lớn của cả nước nói chung và cuộc vận động “hai không” nói riêng của ngành giáo dục. Đặc biệt, năm học 2007-2008, ngành giáo dục tiếp tục triển khai cuộc vận động chấn hưng giáo dục với 4 nội dung: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; Nói không với hiện tượng suy thoái về đạo đức lối sống trong thầy cô giáo và nói không với hiện tượng ngồi nhầm lớp... Trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân, bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ cuộc trò chuyện cởi mở về công tác giáo dục trước những vận hội mới của thành phố, của đất nước...

* Thưa bà, cuộc vận động “hai không” được nhiều người ví như là bước khởi động cho công cuộc “chấn hưng giáo dục” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vậy sau hơn một năm thực hiện cuộc vận động này do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, ngành giáo dục TP Cần Thơ đạt được thành tựu gì?

- Nhờ chủ trương đúng đắn của Trung ương về cuộc vận động này và sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố nên ngành có nhiều thuận lợi trong công tác vận động mọi người trong và ngoài ngành cùng tham gia thực hiện tốt chủ trương “hai không”. Riêng ngành giáo dục, ngay khi tiếp nhận và triển khai cuộc vận động, toàn ngành đã xác định: đây là bước khởi đầu để ngành giáo dục TP Cần Thơ cùng với cả nước nhìn lại thực trạng giáo dục trong suốt thời gian dài; và tiếp tục điều chỉnh nâng cao chất lượng giáo dục để từng bước xây dựng nền giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tế, chỉ sau hơn một năm phát động khó có thể đòi hỏi những kết quả cụ thể từ cuộc vận động này. Tuy nhiên, có thể thấy, TP Cần Thơ đã có những bước chuyển mới, dần đưa giáo dục trở về quỹ đạo chung với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học.

Năm học 2006-2007, với sự cố gắng chỉ đạo, uốn nắn về công tác chuyên môn của ngành giáo dục đào tạo, việc tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp diễn ra an toàn và nghiêm túc, kết quả phản ánh tương đối chính xác chất lượng giáo dục của thành phố. Ngành đã giải quyết kịp thời các vụ việc tiêu cực trong thi cử; dạy thêm, học thêm bằng nhiều biện pháp: tăng cường công tác quản lý, phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức kiểm tra thường xuyên. Ngành đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cho lên lớp không đúng qui định, dẫn đến tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”; xử lý những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo... Nhìn chung, qua hơn một năm thực hiện cuộc vận động “hai không” đã được sự đồng tình của toàn xã hội, đặc biệt là những cán bộ, giáo viên, công nhân viên làm công tác giáo dục đào tạo...

*Trong quá trình thực hiện “hai không”, đâu là những tồn tại, khó khăn, thưa bà?

- Khi phát động, cuộc vận động này được đa số dư luận xã hội và những người tâm huyết với giáo dục ủng hộ. Nhưng cũng còn không ít ý kiến trông chờ vào kết quả sau một thời gian thực hiện. Theo tôi, mục tiêu lớn nhất của cuộc vận động này đối với TP Cần Thơ hiện nay là học sinh tốt nghiệp THPT có chất lượng. Muốn vậy, cần có đội ngũ thầy cô giáo đạt chuẩn, tâm huyết với ngành. Kế đó là những điều kiện góp phần quyết định chất lượng giáo dục, ví dụ như: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội... Từ đó, chúng ta mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục, đưa giáo dục đi vào quỹ đạo chung là: học thật, bằng cấp thật.

Hiện nay, toàn ngành giáo dục có gần 12 ngàn cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong đó, có khoảng 80% giáo viên đạt chuẩn. Ở đây, chúng tôi nói đến chuẩn về bằng cấp. Tuy nhiên, TP Cần Thơ cũng không khác các tỉnh khác của ĐBSCL, do thực tế khách quan là có một thời gian để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở những vùng sâu, chúng ta đã sử dụng một lực lượng giáo viên chưa qua đào tạo chính qui nên có phần ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục. Thực tế, không thể phủ nhận để có trò giỏi thầy phải giỏi, không đáp ứng được yêu cầu này, chất lượng học sinh sẽ không nâng lên được như mong muốn.

Bên cạnh chất lượng đội ngũ giáo viên, khó khăn về cơ sở vật chất cũng làm cho cuộc vận động gặp nhiều hạn chế. Những năm qua, trên địa bàn TP có nhiều trường lớp được xây dựng khang trang hơn, bổ sung thêm nhiều thiết bị giảng dạy hiện đại hơn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường học nhiều nơi trên địa bàn TP còn nhiều khó khăn. Ở 4 quận của TP, cơ sở vật chất tương đối khang trang, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng ở 4 huyện thì còn rất nhiều khó khăn. Tại các huyện hiện nay, hệ thống trường mầm non, mẫu giáo chưa được ổn định, hầu hết các trường mầm non, mẫu giáo vùng sâu đều phải học nhờ, học gởi ở các trường tiểu học. Một số xã, phường còn thiếu trường THCS, các trường THPT đang xuống cấp... Ước tính, toàn thành phố vẫn còn hơn 800 phòng học xuống cấp cần phải đầu tư, xây dựng mới. Chính điều kiện như thế nên không thể đưa những thiết bị hiện đại vào thực hành, thí nghiệm. Từ đó, yêu cầu đảm bảo chất lượng một tiết dạy là khó thực hiện được.

Trường THCS Định Môn, huyện Cờ Đỏ là trường THCS đầu tiên ở TP Cần Thơ đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: L.G

*Vậy đâu là giải pháp để đạt mục tiêu của cuộc vận động lớn này, thưa bà ?

- Theo tôi, để thực hiện tốt cuộc vận động này, đòi hỏi cần phải có giải pháp đồng bộ về đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất... Trong đó, đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Về vấn đề này, toàn ngành giáo dục phấn đấu đến năm 2009, toàn bộ lực lượng giáo viên thành phố đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CTTW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục... Về lâu dài phải từng bước xây dựng đội ngũ giáo viên tâm huyết, vững vàng về chuyên môn, đạo đức trong sáng làm tấm gương cho học sinh noi theo.

Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các huyện còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục theo Nghị quyết 05 của Chính phủ. Phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học vào năm 2010... Ngay từ đầu năm học 2007-2008, ngành giáo dục thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, thi cử, tuyển sinh, đánh giá kết quả học tập cũng như việc cấp chứng chỉ, văn bằng... Đặc biệt là chống tình trạng “ngồi nhầm lớp” ở bậc tiểu học, có biện pháp ngăn chặn ngay ở lớp 1 bằng cách ưu tiên cơ sở vật chất, trang thiết bị và cử giáo viên giỏi, có kinh nghiệm phụ trách khối lớp này. Bởi nếu học sinh “ngồi nhầm lớp” ở bậc tiểu học sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng của học sinh về sau.

*Cuộc vận động “hai không với 4 nội dung” sẽ rất lâu dài. Bà mong đợi gì từ phía phụ huynh và xã hội ?

- Muốn thực hiện tốt cuộc vận động trên, cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phải làm cho toàn xã hội hiểu rằng phải học thật để có bằng cấp thật, từng bước xóa dần quan niệm học để lấy điểm, học để có bằng cấp mà không chú ý đến chất lượng thật. Bởi chỉ những học sinh có chất lượng thật mới đủ sức theo kịp các chương trình đào tạo tiên tiến, tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc vận động chắc chắn sẽ còn lâu dài. Vì thế ngành giáo dục rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, đến các sở, ban ngành và đặc biệt là phụ huynh học sinh. Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND, cùng với vai trò của Hội đồng giáo dục thành phố, với sự góp sức của các ban, ngành, đoàn thể nên có thể nói, cuộc vận động đang được thực hiện tốt. Tuy nhiên, muon nâng cao chất lượng cuộc vận động này, trong thời gian tới cần có sự quan tâm liên tục, nhiều hơn nữa.

Trước mắt còn nhiều khó khăn để thực hiện tốt cuộc vận động “hai không”, trong đó, có những khó khăn tự thân ngành có thể vượt qua, nhưng cũng có nhiều khó khăn phải được hỗ trợ, như: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cùng ngành giáo dục tuyên truyền vận động phụ huynh... Vì thế, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục mong rằng phụ huynh, xã hội sẽ tiếp tục cùng ngành kiên định mục tiêu thực hiện cuộc vận động này để nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đưa thành phố vươn lên tầm cao mới xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của vùng ĐBSCL.

*Xin cảm ơn bà! Nhân dịp Xuân mới, chúc bà khỏe và ngành giáo dục thành phố đạt nhiều thành tích mới!

LY GIANG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết