17/06/2019 - 08:00

Quyết liệt phòng, chống dịch tả heo châu Phi 

Ngay từ khi dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, giới chuyên môn đã cảnh báo bệnh DTHCP có thể lan vào phía Nam qua con đường vận chuyển. Và lời cảnh báo đã trở thành sự thật khi đến ngày 12-6, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh DTHCP đã xảy ra ở 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố, số heo buộc phải tiêu hủy trên 2,5 triệu con, với trọng lượng gần 150.000 tấn!

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là công việc mà người chăn nuôi thường xuyên thực hiện khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: V. THỨC

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là công việc mà người chăn nuôi thường xuyên thực hiện khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: V. THỨC

Ở TP Cần Thơ, theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 9-6-2019, bệnh DTHCP phát sinh thêm tại 15 hộ chăn nuôi của 14 ấp, khu vực, 12 phường, xã, 6 quận, huyện (quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng; các huyện Phong Điền, Thới Lai, Thốt Nốt). Tổng đàn heo trong ổ dịch 356 con, mắc bệnh 249 con, chết 103 con. Để chủ động chống dịch ngành thú y đã tiến hành tiêu hủy 356 con, khối lượng 16.674kg. Tính lũy kế đến ngày 9-6-2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 119 hộ chăn nuôi heo thuộc 24 xã, phường của 7 quận, huyện (phường Phú Thứ, Thường Thạnh, Hưng Thạnh, Ba Láng, Hưng Phú, Tân Phú, Lê Bình của Cái Răng; xã Mỹ Khánh, Giai Xuân, Tân Thới, Nhơn Nghĩa, TT Phong Điền, Trường Long của huyện Phong Điền; phường Long Hòa, Trà An, Long Tuyền, Trà Nóc của quận Bình Thủy; phường An Khánh, Hưng Lợi, An Bình của quận Ninh Kiều; phường Trường Lạc của quận Ô Môn; xã Tân Thạnh, Đông Thuận của huyện Thới Lai; phường Thốt Nốt của quận Thốt Nốt). Tổng số heo trong ổ dịch 3.287 con, số heo bệnh  1.666 con, số heo chết 731 con; số heo đã tiêu hủy 3.287 con (ngành thú y tiêu hủy 3.198 con, khối lượng là 155.638,4kg và chủ hộ tự tiêu hủy 89 con).

Điều đáng nói, trong số hàng trăm hộ chăn nuôi heo ở thành phố, có nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ 1-2 con nên việc tuyên truyền, phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo trong ổ dịch, rà soát, thống kê đàn nguy cơ, điều tra dịch tễ. Lập 23 chốt tạm thời kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ heo theo quy định.

Trước diễn biến phức tạp của DTHCP, ngày 4-6-2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 667/CĐ-TTg chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh DTHCP. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là cấp ủy đảng và chính quyền các cấp ở địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2019 và các văn bản chỉ đạo khác của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã có Công văn 1310-CV/TU, ngày 6-6-2019, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố khẩn trương chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố triển khai khẩn cấp, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP với phương châm  “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phát hiện, xử lý tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh theo đúng hướng dẫn, quy trình, không để lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Tiếp tục xây dựng và triển khai phương án phòng, chống dịch tả heo đảm bảo cụ thể, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và triển khai thực hiện nghiêm túc từ thành phố đến cơ sở, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, không gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, đa dạng hóa  các nguồn thực phẩm từ thịt để bù đắp sự thiếu hụt nguồn thịt heo, đảm bảo  nhu cầu tiêu dùng của người dân; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, quản lý chặt và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, nhất là đối với heo và các thực phẩm từ thịt heo; công khai chính sách, mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bệnh, chết phải tiêu hủy bắt buộc, đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách, tình hình dịch bệnh để trục lợi theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường nguồn lực cho hệ thống thú y và chính quyền cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả  trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và xử lý heo bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức, triển khai, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để phòng dịch chủ động, bảo đảm an toàn sinh học, đặc biệt là bảo vệ đàn giống để tái cơ cấu ngành chăn nuôi sau khi ngăn chặn, kiểm soát và chấm dứt DTHCP trên địa bàn.

Thực hiện nghiêm Công điện của Chính phủ, sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tiêu độc chống dịch khẩn cấp chống tại các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm; đã tiêu độc được 897.682m2/9.738 hộ. Phát tờ rơi tuyên truyền “Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc” và “Phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi”. Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người chăn nuôi vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng; công khai chính sách, mức hỗ trợ chủ vật nuôi có heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy theo Công văn số 1708/UBND-KT ngày 31/5/2019 của UBND thành phố Cần Thơ. Trưởng ấp cùng với thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, báo cáo hàng ngày về Trạm Chăn nuôi và thú y. Thông báo tình hình dịch bệnh đến tất cả các Trạm Chăn nuôi và thú y thuộc thành phố Cần Thơ và yêu cầu các Trạm tăng cường công tác giám sát chăn nuôi, dịch bệnh, kịp thời báo cáo về Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện đàn heo có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân. UBND quận, huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các hố chôn hủy động vật bị bệnh chết trên địa bàn.

Để hỗ trợ người chăn nuôi, Sở Tài chính thành phố đã có Công văn số 1605/STC-QLNS, ngày 11-6-2019, về việc hỗ trợ phòng chống DTHCP. Theo đó, Sở Tài chính đề nghị UBND quận, huyện chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách quận, huyện để thực hiện hỗ trợ cho các chủ vật nuôi có heo mắc bệnh/nghi mắc bệnh buộc phải tiêu hủy trên địa bàn theo mức chi tại Công văn số 1708/UBND-KT của UBND thành phố (phải bảo đảm đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh). Tuyệt đối không được trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp khai không đúng về số lượng và trọng lượng heo buộc phải tiêu hủy theo quy định.

Và Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã có hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ heo, tiêu thụ sản phẩm từ heo khi có dịch bệnh DTHCP.

Có thể nói, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương đã có chỉ đạo quyết liệt và giải pháp cụ thể phòng, chống DTHCP. Tất cả nhằm phòng chống, kiềm chế hiệu quả, xử lý được DTHCP, tổ chức lại sản xuất theo hướng cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi. Và đặc biệt là quản lý được bệnh DTHCP không để lây lan, không ảnh hưởng đến người tiêu dùng, để người tiêu dùng không quay lưng với thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo.

Song Liên

Chia sẻ bài viết