Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết tháng 6-2017, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là trên 15.400 tỉ đồng, tăng khoảng 2.600 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Đầu tháng 10 này, Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH tại thành phố Cần Thơ. Số liệu báo cáo cho thấy, đến hết tháng 8-2017, Cần Thơ có 1.368 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, với số tiền trên 104 tỉ đồng.
Nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp cho người lao động không phải là vấn đề mới nhưng vẫn tiếp diễn và người chịu thiệt thòi trước tiên không ai khác ngoài người lao động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được nhìn nhận từ nhiều phía: đơn vị sử dụng lao động cố tình chiếm dụng số tiền trừ đóng các loại bảo hiểm của người lao động; người lao động không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình do lo sợ mất việc; việc xử phạt các đơn vị nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe…
Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm đã được đề ra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ngoài những nỗ lực chung trong công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đơn vị sử dụng lao động, của người lao động về BHXH, BHYT, BHTN,… điều đáng ghi nhận là những biện pháp chế tài ngày càng nghiêm khắc hơn.
Theo Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 và một số điều chỉnh theo Luật Hình sự sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, người sử dụng lao động trốn đóng BHXH sẽ bị phạt nặng, thậm chí có thể bị đi tù. Cụ thể, người sử dụng lao động gian dối, dùng thủ đoạn để không đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn cho người lao động hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên, ngoài việc bị phạt hành chính sẽ còn bị phạt tiền từ 50- 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, cũng quy định phạt tiền từ 200- 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như sau: phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động; nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng. Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2- 7 năm nếu phạm tội thuộc các trường hợp sau: trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động…
Bên cạnh những biện pháp chế tài nghiêm khắc, điều quan trọng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động là tiếng nói của chính người lao động và các cơ quan, tổ chức đại diện người lao động. Người lao động không dám lên tiếng tình trạng bị nợ bảo hiểm vì sợ gây mâu thuẫn, mất lòng cá nhân/ tổ chức sử dụng lao động, dẫn đến mất việc, ảnh hưởng cuộc sống trước mắt, còn BHXH, BHYT, BHTN… là những lợi ích về lâu dài. Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động lại chờ đợi tiếng nói từ người lao động để làm cơ sở khởi kiện tình trạng nợ bảo hiểm. Đó là một vòng lẩn quẩn. Và để tháo gỡ, cốt yếu là cần có cơ chế bảo vệ người lao động để họ mạnh dạn lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của mình. Điều đó lại đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, tổ chức hữu quan nhằm tạo niềm tin cho người lao động.
KHUÊ NGUYỄN